Kiên Giang quyết không để kinh tế tăng trưởng âm

Hiện nay, dịch COVID-19 trong nước có xu hướng giảm và tỉnh Kiên Giang cũng cơ bản kiểm soát được tình hình. Kiên Giang đã công bố cấp độ dịch trên địa bàn là cấp 2 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Chú thích ảnh
Sơ chế sản phẩm yến tinh tại cơ sở yến sào Du Long, TP. Rạch Giá (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Với điều kiện khá thuận lợi đang trở lại trạng thái bình thường mới, tỉnh chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm không để kinh tế năm 2021 tăng trưởng âm.

Bước vào khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm, Kiên Giang thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2021 từ 0,5% trở lên; phấn đấu theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra từ 2,5 - 3%, nỗ lực không để kinh tế tăng trưởng âm.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành chỉ đạo các sở, ngành, địa phương không được chủ quan, tiếp tục bám sát kịch bản tăng trưởng, có giải pháp điều hành kịp thời, phù hợp để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; trong đó, chú trọng các lĩnh vực kinh tế trọng tâm, chủ lực có lợi thể.

Theo đó, sản xuất nông nghiệp với hai lĩnh vực chủ lực là lúa và thủy sản, tỉnh đã thu hoạch hơn 4,47 triệu tấn lúa, phấn đấu năm 2021 đạt sản lượng trên 4,5 triệu tấn lúa; tôm nuôi thêm hơn 23.000 tấn để cả năm đạt trên 105.000 tấn, vượt 7.000 tấn so với kế hoạch năm 2021, bù đắp cho những ngành nghề thiếu hụt do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương khuyến khích, hỗ trợ nông dân sản xuất nhiều loại rau màu và cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm để cung ứng cho thị trường những tháng cuối năm, nhất là vào dịp lễ, tết, đón chào năm mới 2022.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, Sở thường xuyên theo dõi, dự báo tình hình thời tiết, cảnh báo thiên tai, áp thấp nhiệt đới, bão có khả năng xảy ra trong thời gian tới để kịp thời phòng chống, ứng phó thiên tai, nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất.

Ngành nông nghiệp khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ nông dân sản xuất hiệu quả; đồng thời tăng cường, chủ động thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản, nhất là các bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi và dịch tả lợn châu Phi; kịp thời phát hiện ngăn chặn, dập tắt ổ dịch không để bùng phát.

Trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng, tỉnh phấn đấu trong quý IV, giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 14.230 tỷ đồng, giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 2.890 tỷ đồng trở lên và Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc giải ngân khoảng 11.000 tỷ đồng vốn các dự án để cuối năm đạt 20.000 tỷ đồng.

Kiên Giang chủ động ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân, người lao động tham gia thực hiện chuỗi dây chuyền sản xuất trong các khu và cụm công nghiệp, lưu thông, phân phối, kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa. Đồng thời, hướng dẫn doanh nghiệp thủ tục để tiếp cận nhanh các chính sách hỗ trợ của Trung ương; thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ về tài chính như: giảm, giãn thuế, tín dụng, bảo hiểm, vay vốn… để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Để đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, ngành chức năng và địa phương phối hợp tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh và hỗ trợ cho doanh nghiệp, đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện dự án…

Chú thích ảnh
Tiêm veccine cho người dân phường Vĩnh Quang, thành phố Rạch Giá. Ảnh: Lê Sen/TTXVN

Tỉnh thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn; chủ động tiếp cận, nắm bắt, tiếp nhận thông tin, tổng hợp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân và kịp thời giải quyết theo thẩm quyền để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần phục hồi nhanh nền kinh tế tỉnh trong trạng thái bình thường mới.
 
Đáng chú ý, Tổ công tác đặc biệt đã chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho thành phố Phú Quốc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đề xuất giải pháp xử lý hiệu quả. Cùng đó, đôn đốc các đơn vị liên quan, nhà đầu tư trên đảo giải phóng mặt bằng nhanh, bàn giao đất sạch cho nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án đã được phê duyệt.

Cùng với việc chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch, Kiên Giang phấn đấu, những tháng cuối năm 2021 đạt tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ hơn 33.900 tỷ đồng, du lịch thu hút tối thiểu 776.000 lượt du khách.

Hiện ngành chức năng của tỉnh đã phối hợp đảm bảo vận tải, lưu thông được thông suất, áp dụng các quy định hiện hành của Chính phủ, không tự ban hành các quy định trái với Trung ương. Ngành chức năng triển khai thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng, bình ổn giá, thị trường vào dịp cuối năm. Đặc biệt, tỉnh tập trung triển khai thực hiện hiệu quả thí điểm hộ chiếu vaccine cho khách quốc tế đến Phú Quốc và thu hút khách du lịch nội địa đến tham quan, du lịch Kiên Giang.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang Mai Văn Huỳnh nhấn mạnh, tỉnh tận dụng tốt cơ hội đã kiểm soát được dịch bệnh để phục hồi và phát triển mạnh các hoạt động kinh tế - xã hội, duy trì và thực hiện “mục tiêu kép”; từng bước khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả; triển khai thực hiện hiệu quả các ngành nghề, lĩnh vực hoạt động tương ứng từng cấp độ dịch bệnh được kiểm soát.

Kiên Giang sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất trên lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp; tăng cường xúc tiến thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của địa phương. Kiên Giang mở rộng kết nối, liên kết vùng xanh - vùng xanh trong tỉnh và với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đảm bảo an toàn, nối lại các hoạt động mua bán, chuỗi cung ứng sản phẩm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Lê Huy Hải (TTXVN)
Các doanh nghiệp khôi phục sản xuất phải bảo đảm kiểm soát dịch COVID-19
Các doanh nghiệp khôi phục sản xuất phải bảo đảm kiểm soát dịch COVID-19

Theo ông Nguyễn Nhật Trường, Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang, hiện có 76/186 doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được phê duyệt và đang hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” với trên 17.000 lao động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN