Kiểm tra và xử lý các trường hợp nuôi trồng thủy sản trái phép

Ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang cho biết, Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Đông đã chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra, lập biên bản vi phạm để xử lý các trường hợp nuôi trồng thủy sản (hàu) trái phép trên địa bàn khu vực biển các xã Tân Thành, xã Tân Điền và xã Kiểng Phước.

Chú thích ảnh
Khu vực người dân nuôi hàu tự phát ở xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Ảnh tư liệu: Nguyễn Sự/nhandan.vn

Trong thời gian qua, trên vùng ven biển huyện Gò Công Đông ngoài phát triển nuôi nghêu trên bãi triều còn có nuôi hàu tự phát trên khu vực biển thuộc các xã Tân Thành, xã Tân Điền và xã Kiểng Phước. Hàu được thả nuôi trong vùng cách bờ từ khoảng 500m đến khoảng 3.500m. Qua rà soát, báo cáo của Ủy ban nhân dân các xã Tân Thành, Tân Điền và Kiểng Phước phát hiện các cá nhân thả nuôi hàu chưa được cấp thẩm quyền cho phép. Huyện Gò Công Đông đã rà soát, thống kê báo cáo hiện trạng nuôi hàu, thống kê các tổ chức, cá nhân và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang.

Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, khu vực ven biển của các xã Kiểng Phước, Tân Điền, Tân Thành (huyện Gò Công Đông) hiện có 66 cá nhân (trong đó có 8 cá nhân ngoài huyện Gò Công Đông, 21 cá nhân ngoài tỉnh Tiền Giang) tự phát thả 4.355 dây nuôi hàu, với tổng diện tích khoảng 465,6 ha. Các chủ nuôi thường xuyên không có mặt tại khu vực nuôi, không có chồi/nhà bè quản lý, chăm sóc. Giai đoạn hàu lớn và chuẩn bị thu hoạch, chủ nuôi mới thường xuyên ra vào. Việc nuôi hàu đã xuất hiện từ năm 2019; trong đó, có 4 cá nhân đã thả nuôi 4 dây nuôi hàu trên khu vực biển thuộc xã Kiểng Phước, Tân Điền và 15 đơn xin nuôi hàu của các hộ dân trên địa bàn huyện Gò Công Đông.

Trước tình hình trên, Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Đông đã nhiều lần có văn bản không cho phép nuôi hàu trên vùng biển ven bờ của huyện và đề nghị Ủy ban nhân dân các xã xử lý các trường hợp nuôi hàu không đúng quy định. Tuy nhiên, từ năm 2023 đến nay, hoạt động nuôi hàu không đúng quy định tăng nhanh, ngoài tầm kiểm soát của địa phương.

Lý do số hộ nuôi hàu phát triển tự phát là do hiệu quả kinh tế của nuôi hàu cao rất nhiều so với các nghề biển hiện tại trên địa bàn tỉnh. mô hình nuôi hàu ít tốn công chăm sóc, kỹ thuật đơn giản, không cần đầu tư con giống, thức ăn, có thể đầu tư nhỏ lẻ với chi phí vừa phải. Ước tính hiệu quả kinh tế gần 1/2 tỷ đồng/1 ha nuôi hàu.

Kết quả rà soát quy hoạch phát triển khu vực biển cho thấy, toàn khu vực nuôi hàu trên biển huyện Gò Công Đông nằm trong phạm vi 3 hải lý, thuộc khu vực quản lý nuôi biển của tỉnh Tiền Giang.

Điều này phù hợp với định hướng phát triển vùng nuôi trồng thủy sản trên hệ sinh thái mặn lợi tại các vùng ven biển Gò Công Đông, Tân Phú Đông trong Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; không chồng lấn với Quy hoạch Lâm nghiệp tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2011 - 2020 và 2021 - 2030 và khu vực Quy hoạch về quốc phòng an ninh trên phạm vi vùng biển từ 0-6 hải lý.

Tuy nhiên, khu vực nuôi hàu có khả năng chồng lấn một phần hoặc toàn phần với khu vực triển khai thực hiện các dự án Cảng tổng hợp Gò Công, dự án Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2, Quy hoạch Nhà máy điện gió Tân Thành và Quy hoạch đô thị thông minh kết hợp với đô thị lấn biển.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh dự thảo Kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Tiền Giang đến năm 2030 phù hợp với định hướng phát triển của Quy hoạch tỉnh.

Sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành Kế hoạch nuôi biển, ngành nông nghiệp sẽ chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành hướng dẫn liên ngành để hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục cấp giấy phép nuôi biển và thủ tục giao mặt nước biển theo đúng quy định.

Ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang trao đổi, trong lúc chờ hướng dẫn liên ngành để hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục cấp giấy phép nuôi biển và thủ tục giao mặt nước biển theo đúng quy định, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về xử lý các trường hợp nuôi hàu không đúng quy định.

Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành Kế hoạch số 289/KH-UBND ngày 25/10/2024 của Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Đông về kiểm tra và xử lý các trường hợp nuôi trồng thủy sản (hàu) cùng Quyết định số 2251/QĐ-UBND ngày 11/11/2024 về thành lập Tổ kiểm tra chấp hành pháp luật về nuôi trồng thủy sản (hàu) không đúng quy định.

Tổ kiểm tra chấp hành pháp luật về nuôi trồng thủy sản (hàu) không đúng quy định đã thực hiện kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính đối với 12 chủ nuôi hàu trên biển thuộc địa bàn xã Kiểng Phước; đã dự thảo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trình Ủy ban nhân dân huyện ban hành.

Hiện nay, Ủy ban nhân dân huyện đã kiểm tra đánh giá tài liệu trong hồ sơ đề nghị của Tổ kiểm tra và hoàn chỉnh ban hành 12 Quyết định xử phạt hành chính đúng quy định; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh huyện, đài truyền thanh các xã - thị trấn để người dân nắm được chủ trương không được phép nuôi hàu không đúng quy định trên địa bàn huyện Gò Công Đông.

Hữu Chí (TTXVN)
Làm rõ việc để cơ sở băm dăm tự ý hoạt động trở lại trái phép
Làm rõ việc để cơ sở băm dăm tự ý hoạt động trở lại trái phép

Tại xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) có nhiều xưởng băm keo trái phép, không có thủ tục pháp lý đúng quy định. Mặc dù lực lượng chức năng phát hiện, xử phạt và yêu cầu các cơ sở hoàn thiện thủ tục cần thiết để hoạt động trở lại nhưng nhiều cơ sở không chấp hành. Đặc biệt, có nơi chính quyền không quyết liệt, làm ngơ để cơ sở băm keo tự ý mở niêm phong hoạt động trái phép trở lại?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN