Kiểm soát giá tiêu dùng cuối năm

Theo Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú (ảnh), do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 8 tháng đầu năm đã tăng trên 3,5% và áp lực tăng giá 4 tháng cuối năm rất mạnh nên cần đề phòng nguy cơ lạm phát cả năm tăng cao.

 


Ông đánh giá thế nào về CPI tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2013, cũng như diễn biến tăng giá các mặt hàng thời gian gần đây?


Theo công bố của Tổng cục Thống kê, CPI cả nước tháng 8 đã tăng 0,83% so với tháng trước và tăng 7,5% so với cùng tháng năm trước. Tính từ đầu năm, CPI đã tăng trên 3,5%. Vì vậy, 4 tháng cuối năm, áp lực tăng giá cũng rất mạnh do các hoạt động tiêu dùng mua sắm, thanh toán tiền, tăng đầu tư công, phát hành trái phiếu, làm đường giao thông và các công trình trọng điểm...


Các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ thị trường hàng hóa.


Những tháng gần đây, các mặt hàng trong diện tăng giá khá nhiều và có những mặt hàng có mức độ tăng khá cao. Gần đây, giá điện tăng chắc chắn sẽ tác động thị trường hàng hóa. TP Hồ Chí Minh mới đây có quyết định tăng học phí từ 2 - 6 lần, mức tăng này là tương đối lớn nên cần được tính toán rất kĩ trước khi tăng. TP Hà Nội đã tăng giá nước sạch từ 1/8/2013 gấp hai lần. Đặc biệt, việc tăng giá dịch vụ y tế tại TP Hà Nội tới 63,94% so với tháng trước đã đẩy chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế và CPI cả nước tăng. Ngoài ra, nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác như sữa, gas, xăng dầu... cũng đã tăng giá.

 

Ông có lo ngại yếu tố nào khác sẽ tác động đến giá tiêu dùng những tháng cuối năm?


Trong tháng 9, thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của một số yếu tố như thời tiết đan mùa mưa bão sẽ ảnh hưởng đến giá cả mặt hàng thực phẩm, nhu cầu một số mặt hàng tăng và việc điều chỉnh tăng học phí vào dịp đầu năm học mới. Cần lưu ý là đã có năm, do việc điều chỉnh tăng học phí nên CPI đã tăng rất mạnh. Việc giá điện tăng 5% vào tháng 8 chưa tác động ngay vào CPI tháng 8 mà tác động vào tháng 9.

Theo Hiệp hội Siêu thị Hà Nội: Hiện các siêu thị trong hệ thống siêu thị đã xác nhận tăng giá một số nhóm mặt hàng từ 2 - 15%. Hiệp hội Siêu thị Hà Nội đang và sẽ đàm phán để loại trừ các trường hợp đề nghị tăng giá bất hợp lý.


Bên cạnh đó, thị trường hàng hóa vẫn còn hiện tượng tăng giá do tâm lý. Ví dụ như người bán nước trà sau khi nghe được nhiều thông tin tăng giá đã tăng giá cốc nước trà từ 2.000 đồng lên 3.000 đồng. Giá điện vừa tăng thì nhiều chủ nhà trọ cũng đồng loạt tăng giá tiền điện, tiền nước lên cao hơn mức quy định của Nhà nước. Áp lực tăng giá này đẩy vào chi phí sản xuất và lưu thông khiến nhiều mặt hàng chịu áp lực tăng giá.


Vậy cần có giải pháp gì để ổn định giá tiêu dùng, góp phần kiềm chế lạm phát cuối năm, thưa ông?


Việc tăng giá là khó tránh khỏi, nhất là khi nhiều chi phí đầu vào của ta phụ thuộc vào thế giới. Để giá cả hợp lý đến tay người tiêu dùng cần cái tâm của nhà sản xuất, thương mại, phải ngăn chặn việc sản xuất theo kiểu giá tăng lại còn giảm chất lượng, số lượng; cũng không nên tăng giá theo kiểu giá đầu vào tăng 1 thì giá bán ra tăng gấp 2. Các nhà phân phối nên chia sẻ với người tiêu dùng thông qua việc kí kết hợp đồng cho chặt chẽ với nhà cung cấp, hạn chế tăng giá bất hợp lý.


Về tầm vĩ mô, cần tái cơ cấu nền kinh tế, phân bổ lại nguồn lực cho hợp lý và hiệu quả, phân bố lợi nhuận cho các khâu từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng. Cùng với đó, cần đẩy năng suất lao động, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất lưu thông và tăng dự trữ quốc gia (đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu)... để kiểm soát giá cả tốt hơn.



Bài và ảnh: Thiên Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN