Tôm nuôi bị chết do dịch bệnh đốm trắng. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN |
Lý do là nhằm hạn chế dịch bệnh trên tôm và giảm rủi ro trong quá trình nuôi vì thời tiết hiện chưa ổn định, không khí lạnh còn duy trì, độ mặn tăng chậm gây bất lợi cho tôm nuôi.
Ông Phạm Minh Truyền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, theo lịch thời vụ thả nuôi tôm của đơn vị, vụ nuôi tôm 2016 - 2017 bắt đầu từ tháng 11/2016. Tuy nhiên, trong tháng 1/2017, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, các đợt mưa trái mùa và không khí lạnh tăng cường xuống phía Nam khiến dịch bệnh trên tôm nuôi tăng đột biến và có khả năng phát sinh thành dịch.
Trước tình hình đó, ngày 16/1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành công văn khuyến cáo người nuôi hạn chế và chậm thả giống tôm. Nhưng các hộ nuôi tôm trong tỉnh vẫn bất chấp khuyến cáo, tiếp tục thả giống, dẫn đến dịch bệnh trên tôm tăng đột biến và lây lan trên diện rộng.
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có hơn 7.000 hộ thả nuôi gần 600 triệu con tôm sú giống trên diện tích 9.315 ha và 2.240 lượt hộ thả nuôi hơn 524 triệu con giống tôm thẻ chân trắng trên diện tích gần 1.000 ha. Tuy nhiên, đã có gần 500 hộ thiệt hại hơn 44 triệu con giống tôm sú trên diện tích 213 ha (chiếm 32,3% diện tích thả nuôi) và 487 hộ thiệt hại hơn gần 100 triệu con giống tôm thẻ chân trắng trên tổng diện tích 183 ha (chiếm 18,5% so với diện tích thả nuôi).
Đáng lo ngại, nhiều địa phương có tỷ lệ thiệt hại rất cao như: xã Dân Thành (thị xã Duyên Hải) thiệt hại 77% diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng; xã Mỹ Long Nam (huyện Cầu Ngang) thiệt hại 59% diện tích nuôi tôm sú; xã Long Hữu (huyện Duyên Hải) thiệt hại 52% diện tích nuôi tôm sú và 34,7% diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng… Đa phần tôm chết ở giai đoạn 15-45 ngày tuổi, chủ yếu bị bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy.
Gia đình ông Trần Hoàng Du, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải thả nuôi 500.000 con giống tôm thẻ chân trắng ở 4 hồ, trên tổng diện tích 0,8 ha mặt nước. Chỉ sau 18 ngày thả nuôi đã có 2 hồ bị thiệt hại hoàn toàn không thu được sản lượng, với số tiền thiệt hại gần 100 triệu đồng. Hiện 2 hồ còn lại tôm đã 40 ngày tuổi nhưng ăn rất ít và chậm lớn nên ông rất lo lắng.
Vụ nuôi tôm 2017, các vùng ngập mặn, ven biển thuộc 4 huyện: Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú và Châu Thành, tỉnh Trà Vinh có kế hoạch thả nuôi khoảng 1,9 tỷ con giống tôm sú trên diện tích 18.000 ha và thả nuôi khoảng 3 tỷ con giống tôm thẻ chân trắng trên diện tích 6.000 ha; phấn đấu đạt tổng sản lượng 38.700 tấn tôm thương phẩm.