Dự án đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có tổng chiều dài 48,58 km, tổng diện tích hành lang tuyến khoảng 135,39 ha, đi qua 5 huyện gồm: Bình Xuyên, Tam Dương, Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô với tổng số 16 xã, thị trấn.
Huyện Tam Đảo là địa phương có diện tích bồi thường giải phóng mặt bằng lớn nhất tỉnh Vĩnh Phúc với diện tích đất 55,54 ha thuộc địa phận các xã Minh Quang, Hồ Sơn, Tam Quan, thị trấn Đại Đình và thị trấn Hợp Châu, chiều dài tuyến đường dây qua huyện khoảng 19,07 km (45 vị trí móng cột).
Đến nay, huyện Tam Đảo đã bàn giao cho chủ đầu tư 45/45 vị trí móng cột. Với phần hành lang tuyến, huyện Tam Đảo đã tổ chức kiểm đếm xong đối với 21/23 hộ cần thực hiện bố trí tái định cư, bồi thường bằng đất ở, giao đất ở có thu tiền sử dụng đất; tổ chức kiểm đếm, lập xong phương án bồi thường hỗ trợ cho 71/75 thửa đất của 5 tổ chức, 38 hộ nằm trong phạm vi hành lang tuyến nhưng không phải bố trí tái định cư, bồi thường bằng đất ở.
Hiện, còn 1 hộ ở thôn Đồng Bùa, xã Tam Quan có phần diện tích đất nằm trong phạm vi hành lang tuyến có nhà ở và các công trình phụ trợ chưa phối hợp thực hiện việc kiểm đếm do hướng tuyến đi qua phần diện tích đất mà hộ đang sử dụng để kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay.
Ông Nguyễn Đức Công, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tam Đảo cho biết: Trong quá trình tổ chức kiểm đếm, đối chiếu nguồn gốc đất, chủ sử dụng đất đối với diện tích đất phải thu hồi để thực hiện dự án phát sinh một số nội dung khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền của huyện liên quan đến việc đề nghị tính toán hỗ trợ các tài sản, vật kiến trúc, cây cối được tạo lập trước thời điểm thông báo thu hồi đất trên đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, đất hành lang giao thông. Cùng với đó, việc xác định giá đất cụ thể để thực hiện bồi thường, hỗ trợ do gặp nhiều khó khăn, các đơn vị tư vấn chưa tích cực trong việc tổ chức thực hiện.
Để đảm bảo bàn giao mặt bằng dự án cho chủ đầu tư xong trước ngày 15/4/2025 theo sự chỉ đạo của tỉnh, huyện Tam Đảo tích cực chỉ đạo các phòng ban chuyên môn và chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân về chủ trương, ý nghĩa quan trọng, cấp thiết của dự án. Đối với những hộ chưa đồng thuận, Ban đã cử cán bộ cùng cán bộ xã xuống tận nhà các hộ dân để vận động, tuyên truyền. Đồng thời, thực hiện thủ tục kiểm đếm bắt buộc trong trường hợp sau tuyên truyền vận động các hộ vẫn không phối hợp kiểm đếm.
Huyện Lập Thạch là một trong những địa phương điển hình của tỉnh Vĩnh Phúc trong thực hiện giải phóng mặt bằng. Năm 2025, huyện Lập Thạch đang quyết liệt tháo gỡ, giải quyết dứt điểm các tồn tại trong bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án chuyển tiếp; các công trình, dự án trọng điểm, công trình kết cấu hạ tầng đô thị như: Dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên; Dự án Nghĩa trang Nhân dân huyện Lập Thạch; Dự án trụ sở công an các xã, thị trấn...
Ông Ngô Tuấn Hạnh, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư và xây dựng huyện Lập Thạch cho biết, hiện nay, huyện đang tập trung ưu tiên số 1 cho bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên, đoạn qua địa bàn huyện Lập Thạch vì đây là dự án có tính cấp thiết mang tầm quốc gia.
Dự án đi qua địa bàn huyện Lập Thạch, với tổng chiều dài 13,61 km với 30 vị trí chân cột đi, qua 6 xã, thị trấn của huyện Lập Thạch, gồm: Ngọc Mỹ, Bắc Bình, Xuân Hòa, Liễn Sơn, Thái Hòa và thị trấn Hoa Sơn, với tổng diện tích cần giải phóng mặt bằng là 40,7 ha; trong đó, diện tích các chân cột 3,1 ha; hành lang đường điện 37,6 ha.
Đến nay, Lập Thạch đã kiểm đếm xong 29/30 vị trí chân cột, xây dựng phương án bố trí cho 26 hộ phải tái định cư do nằm trong hành lang tuyến vào các khu đã có quỹ đất. Hiện, vẫn còn 1 số hộ có đất trong phạm vi thu hồi thực hiện dự án vẫn còn có những ý kiến, thắc mắc liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn, huyện Lập Thạch đang tích cực phối hợp với các ban ngành liên quan giải đáp thắc mắc của người dân liên quan đến cơ chế, chính sách trong giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án; đẩy mạnh tuyên truyền vận động các hộ đồng thuận với chủ trương của dự án trọng điểm.
Mặt khác, hoàn thiện các thủ tục pháp lý tổ chức cưỡng chế thu hồi đất các hộ dân không chấp hành giải phóng mặt bằng Dự án đường hạ tầng ngoài Khu công nghiệp Lập Thạch II; Dự án hạ tầng Khu công nghiệp Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (Khu vực II, giai đoạn 1).
Dự án công viên vui chơi, giải trí thành phố Vĩnh Yên. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN
Năm 2025, tổng vốn đầu tư công của tỉnh Vĩnh Phúc là hơn 7.179 tỷ đồng; trong đó, vốn Trung ương giao hơn 6.898 tỷ đồng, vốn tăng thu ngân sách tỉnh từ các năm còn lại chưa phân bổ chuyển nguồn sang hơn 281 tỷ đồng.
Tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu đến hết quý II/2025 sẽ hoàn thành hồ sơ thanh toán và giải ngân 100% kế hoạch vốn đối với các công trình đã hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng trước 31/12/2024; giải ngân trên 40% kế hoạch vốn bố trí đối với các công trình chuyển tiếp; đến 31/12/2025, giải ngân trên 90% và đến hết 31/1/2026 giải ngân từ 95% kế hoạch vốn đầu tư được giao trở lên.
Để hoàn thành mục tiêu trên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, làm tốt việc thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư, công tác đấu thầu; tháo gỡ khó khăn cho các dự án vướng mắc về mặt bằng đã tồn tại nhiều năm. UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các cấp huyện quyết liệt trong giải phóng mặt bằng, bảo đảm tiến độ thực hiện dự án, không để xảy ra tình trạng dự án được bố trí vốn nhưng chậm thực hiện thẩm định phê duyệt giá bồi thường, dẫn đến chậm chi trả tiền giải phóng mặt bằng cho người dân.
Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính trong việc thực hiện các quy trình thủ tục đối với bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng; quyết liệt, chủ động xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn kịp thời, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao gắn với trách nhiệm người đứng đầu.