Khó vay ngân hàng để mua nhà

Giá nhà đất liên tục giảm trong khi các ngân hàng mở rộng cửa với các gói cho vay mua nhà lãi suất hấp dẫn được coi là cơ hội lớn đối với người mua nhà. Tuy nhiên trên thực tế, để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng vẫn còn rất nhiều khó khăn.


Hàng loạt ngân hàng thương mại đã chạy đua tung ra các gói tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân vay để sửa nhà, mua nhà. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã đưa gói tín dụng ấn tượng 30.000 tỷ  đồng cho chương trình xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2013 - 2015 của Bộ Xây dựng. Các ngân hàng thương mại khác cũng triển khai các gói tín dụng cho vay mua nhà trả góp đối với những cá nhân có nhu cầu về nhà ở thực sự, trong đó Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) dành 5.000 tỷ đồng, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank 2.000 tỷ đồng, Ngân hàng Phương Đông 500 tỷ đồng, Ngân hàng Á châu - ACB 2.000 tỷ đồng... Tuy nhiên, tiếp cận với những khách hàng trực tiếp đi vay tiền ngân hàng để mua nhà mới thấy từ chính sách và thực tế vẫn còn nhiều khoảng cách.

Khu nhà dành cho người thu nhập thấp ở xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã đưa vào sử dụng. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN


Chị Ánh Nga, nhân viên tín dụng Ngân hàng Eximbank, cho biết: để được vay mua nhà, khách hàng phải vay theo hình thức thế chấp, vì vay theo hình thức tín chấp (vay qua bảng lương, không có tài sản thế chấp), số tiền vay không được nhiều, chỉ từ 4 đến 12 lần lương - số tiền không đáng kể so với giá trị một căn hộ. Mặt khác, ngân hàng đang hạn chế hình thức cho vay này nên chỉ những đối tượng là nhân viên thuộc tổ chức nhà nước hoặc các ngành nghề đặc thù như giáo viên, bác sĩ, bộ đội mới được vay. Những khách hàng không thuộc diện ưu tiên trên thì sẽ không được vay.


Với hình thức thế chấp, các ngân hàng cũng đưa ra một loạt các điều kiện hết sức khắt khe: khách hàng có độ tuổi từ 22 đến 55 tuổi đối với nữ và đến 60 tuổi đối với nam; có hộ khẩu hoặc KT3 (thẻ tạm trú dài hạn) hoặc giấy tạm trú tại nơi vay vốn; có thu nhập đảm bảo được khoản vay; có tài sản thế chấp đang thuộc sở hữu của người vay hoặc người bảo lãnh; vốn tự có tối thiểu 30% nhu cầu vay vốn...


Chị Lan Anh, nhân viên văn phòng Công ty TTH tại Hà Nội có ý định mua nhà tại Khu đô thị Xa La - Hà Đông, cho biết: Sau khi tích luỹ được 300 triệu đồng và vay mượn bạn bè họ hàng được 200 triệu đồng, vợ chồng chị đang muốn vay ngân hàng thêm 200 triệu đồng để mua một căn hộ bình dân. Mới nghe nhân viên ngân hàng tư vấn, tưởng thủ tục vay vốn đơn giản, nhưng đến khi nộp hồ sơ mới thấy nan giải với các điều kiện mà ngân hàng đưa ra. Ngân hàng yêu cầu thế chấp tài sản có giá trị, trong khi vợ chồng chị đều là người ngoại tỉnh, đang ở trọ, không có tài sản giá trị để thế chấp. Rồi việc chứng minh thu nhập, tổng thu nhập của cả hai vợ chồng cũng chỉ được hơn chục triệu đồng/tháng, trong khi yêu cầu của ngân hàng thu nhập phải từ 20 triệu đồng/tháng trở lên mới được vay vốn...Ngoài điều kiện, thủ tục cho vay của ngân hàng còn ngặt nghèo, thì lãi suất luôn là vấn đề "đau đầu" và đáng quan tâm nhất đối với khách hàng. Nhiều ngân hàng đã tung ra các gói cho vay mua nhà với lãi suất hấp dẫn, tuy nhiên lãi suất ngân hàng có thể biến động bởi hiện nay trong hầu hết các hợp đồng mua nhà có cam kết vay vốn, các ngân hàng chỉ để thời gian vay vốn với mức lãi suất thấp khoảng từ 3 đến 6 tháng hoặc trong năm đầu tiên. Sau đó, các ngân hàng sẽ áp dụng lãi suất cao hoặc lãi suất thả nổi theo thị trường. Trong khi đó, thời gian trả nợ có thể kéo dài từ 5 đến 10 năm.


Anh Hồng Phúc ở phố Đại La chia sẻ: “Cách đây 3 năm, vợ chồng tôi thu nhập 20 triệu đồng/tháng, chúng tôi tiết kiệm được 700 triệu đồng, vay ngân hàng 600 triệu đồng để mua một căn hộ. Khoản vay này được trả dần trong 6 năm. Ban đầu lãi suất 14%/năm, tuy nhiên sau 3 tháng thì ngân hàng điều chỉnh lên 18%/năm. Tiếp những năm sau đó, mỗi năm ngân hàng lại điều chỉnh lãi suất vài lần theo biến động của lãi suất huy động, trong khi nếu lo đủ tiền để trả nợ trước hạn, khách hàng lại... bị phạt. Chạy theo lãi suất ngân hàng đúng là "không thở nổi". Thế nên việc vay tiền ngân hàng để mua nhà cần phải được tính toán rất kỹ trước khi đặt bút ký vào hợp đồng vay vốn".


Để tháo gỡ những khó khăn này, Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo thông tư về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ - CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ. Theo dự thảo này, người tiêu dùng có thể vay trong 10 năm và được áp dụng lãi suất vay 6% trong 3 năm, đến ngày 15/4/2016. Sau thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố mức lãi suất cho vay phù hợp để tiếp tục hỗ trợ khách hàng đã vay vốn. Nếu chủ trương này được các ngân hàng thương mại thực hiện, những người có nhu cầu thực về nhà ở sẽ thêm một cơ hội thuận lợi để có thể mua nhà ở.



Phạm Hằng

Ngân hàng đẩy mạnh cho vay từ vốn ưu đãi
Ngân hàng đẩy mạnh cho vay từ vốn ưu đãi

Thừa vốn, nhưng ngân hàng vẫn khó cho vay dù đã hạ lãi suất. Trong khi đó, doanh nghiệp (DN) khát vốn nhưng không thể vay vì sản xuất đình đốn do kinh tế khó khăn, hoặc không đủ năng lực đáp ứng tiêu chí vay của ngân hàng (NH).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN