Khó thu hút tư nhân đầu tư trạm dừng nghỉ

Các trạm dừng nghỉ hiện nay trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh rất nhếch nhác và gần như không có xe vào nghỉ. Mặc dù Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang lập đề án để “trải thảm đỏ” nhằm thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng các trạm dừng nghỉ, song doanh nghiệp không mặn mà bỏ vốn, do vướng nhiều cơ chế về thủ tục, vốn, mặt bằng.

Hiệu quả không như mong đợi

Ba trạm dừng nghỉ đường bộ thuộc Quy hoạch tổng thể hệ thống trạm dừng nghỉ đường bộ tại Việt Nam do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ được đầu tư xây dựng với kinh phí hàng chục tỷ đồng tại 3 địa điểm trên quốc lộ 1 là: Song Khê (Bắc Giang), Tân Lạc (Hòa Bình) và Ninh Bình từ năm 2009. Thế nhưng, đến nay, hoạt động của các trạm này, đều rơi vào tình trạng vắng khách.

Trạm dừng nghỉ Tân Lạc (Hòa Bình) đang bị xuống cấp.Ảnh: Tổng cục đường bộ Việt Nam


Ghi nhận tại Trạm dừng nghỉ Tân Lạc (Hòa Bình), trạm đã cung cấp nhiều dịch vụ phục vụ khách như: dịch vụ nghỉ ngơi, thư giãn, vệ sinh cho lái xe và hành khách, thông tin về du lịch giao thông của khu vực, giới thiệu các sản phẩm địa phương... Tuy nhiên, lượng xe dừng nghỉ hàng ngày rất thưa vắng. Mỗi ngày, chỉ có vài chiếc xe rẽ vào trạm nhưng chẳng mua bán gì hay sử dụng dịch vụ gì.

Ông Hà Ngọc Toàn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần 26/3, đơn vị quản lý trạm Tân Lạc cho biết: Sau hơn 6 năm đi vào hoạt động, trạm đã không phát triển được như kỳ vọng. Mặc dù xe khách trên tuyến đông, song trạm có diện tích quá nhỏ nên không đáp ứng yêu cầu. Công ty đang làm thủ tục xin địa phương mở rộng diện tích bãi đỗ để có thể đón xe container, xe khách giường nằm và đầu tư thêm khu ẩm thực, trạm xăng để thu hút xe đường dài… Tuy nhiên, thủ tục xin mở rộng đang gặp nhiều khó khăn.

Các trạm dừng nghỉ tại Ninh Bình, Song Khê hiện cũng trong tình trạng tương tự, hoạt động không hiệu quả và vắng khách triền miên. Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: Những điểm bất hợp lý về vị trí, công năng, chất lượng dịch vụ, phục vụ đã khiến các trạm rơi vào tình trạng lãng phí như hiện nay. Trạm dừng nghỉ để phục vụ vận tải khách đường dài, tuyến cố định, nên tiêu chí đầu tiên phải phù hợp với tuyến đường và đáp ứng các điều kiện cần thiết của khách. Song thực tế, các trạm trên đều nằm ở vị trí không phù hợp, chất lượng dịch vụ, phục vụ thiếu linh hoạt… Bên cạnh đó, dọc các tuyến quốc lộ hiện nay vẫn có quá nhiều điểm dừng nghỉ nhỏ lẻ tự phát của tư nhân, tạo ra mạng lưới hàng quán dày đặc, thiếu kiểm soát, càng khiến các trạm dừng nghỉ Nhà nước hiu hắt.

Doanh nghiệp không dám bỏ vốn

Theo quy hoạch, hệ thống trạm dừng nghỉ trên quốc lộ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Bộ GTVT phê duyệt, đến năm 2030 sẽ có 120 trạm dừng nghỉ trên các tuyến quốc lộ. Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến nay, cả nước mới có 10 trạm, trong khi mục tiêu đến năm 2015 phải có 60 trạm. Nguyên nhân chính của thực trạng này là do hiện nay, Bộ GTVT vẫn chưa có các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút xã hội hóa đầu tư, khai thác trạm dừng nghỉ, do đó không hấp dẫn và khó thu hút được các doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư, khai thác. Bên cạnh đó, khó khăn trong giải phóng mặt bằng tại các địa phương và nguồn vốn hạn hẹp cũng chính là rào cản khiến doanh nghiệp không dám bỏ vốn đầu tư.

“Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang xây dựng Đề án xây dựng cơ chế, chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư và khai thác trạm dừng nghỉ trên hệ thống quốc lộ Việt Nam với nhiều ưu đãi như: Đề xuất miễn thuế đất với những diện tích dành cho dịch vụ công cộng không thu phí bãi đỗ xe, chỗ nghỉ ngơi công cộng, khu vệ sinh; miễn giảm thuế dịch vụ, phục vụ… để các doanh nghiệp, cá nhân sẵn sàng đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách. Thêm vào đó, việc quản lý hoạt động các trạm dừng nghỉ nên để tự các doanh nghiệp gánh vác, vai trò của Nhà nước là công bố quy hoạch, ban hành quy chuẩn quốc gia, các chính sách ưu đãi… phù hợp để các trạm dừng nghỉ phát triển hiệu quả”, bà Hiền cho hay.

Ông Vũ Đức Hoàng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Hoàng Long cho biết: Đơn vị có gần 100 xe giường nằm vận tải hành khách tuyến Bắc - Nam, nhưng không đầu tư trạm dừng nghỉ, mà hợp tác với 50 nhà hàng ven đường để làm điểm dừng nghỉ. Việc này rất tiện lợi và không phải bỏ ra chi phí lớn để xây dựng và nuôi nhân công, phí quản lý. Việc đầu tư trạm dừng nghỉ sẽ không mang lại lợi nhuận, nếu không có chính sách ưu đãi về đất, thuế. Đầu tư trạm dừng nghỉ mà phải đi mua hay thuê đất doanh nghiệp thì sẽ không hiệu quả.
Đăng Sơn
Quy hoạch trạm dừng nghỉ dọc đường Hồ Chí Minh
Quy hoạch trạm dừng nghỉ dọc đường Hồ Chí Minh

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) dự kiến sẽ huy động các doanh nghiệp góp vốn gần 5.800 tỷ đồng để xã hội hóa đầu tư xây dựng 57 trạm dừng nghỉ dọc đường Hồ Chí Minh, nhằm thu hút phương tiện vận tải chạy đường dài lựa chọn tuyến đường này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN