Khô hạn đe dọa thủ phủ nuôi cá tầm của Lâm Đồng

Thủ phủ nuôi cá tầm huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng đang bị đe doạ bởi tình trạng khô hạn trong cao điểm mùa khô năm 2025. Nhiều hộ dân phải đóng cửa 50% bể nuôi cá do thiếu nước trầm trọng.

Chú thích ảnh
Trang trại nuôi cá tầm ở huyện Đam Rông, Lâm Đồng. Ảnh tư liệu: Chu Quốc Hùng/TTXVN

Theo ghi nhận, tình trạng khô hạn diễn ra từ khoảng tháng 12/2024 cho đến nay. Do không có mưa nên nguồn nước suối cung cấp cho các bể nuôi cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi) của người dân huyện Đam Rông bị thiếu hụt. Tại xã Rô Men – địa phương có diện tích bể nuôi cá tầm nhiều nhất Đam Rông nhưng hiện chỉ có một con suối cung cấp nước sạch cho người dân nuôi cá nước lạnh. Tuy nhiên, do tình trạng khô hạn kéo dài đã khiến nguồn nước giảm mạnh, nhiều hộ dân phải đóng cửa bể nuôi hoặc chuyển cá giống đến trang trại ở địa phương khác.

Ông Nông Mạnh Cường, một trong những hộ nuôi cá tầm diện tích lớn ở xã Rô Men, Đam Rông cho biết, gia đình ông có 18 bể nuôi cá tầm nhưng hiện tại do nguồn nước khan hiếm, phải tạm đóng cửa 10 bể nuôi trong thời gian qua. Dự báo tình trạng khô hạn còn kéo dài đến khoảng tháng 4 nên ông Cường rất lo lắng đối với những bể nuôi cá tầm còn lại.

Theo lãnh đạo UBND xã Rô Men, nghề nuôi cá nước lạnh tại địa phương phát triển mạnh trong những năm gần đây. Thống kê toàn xã có khoảng 61 hộ, công ty, hợp tác xã nuôi cá tầm với tổng 7 ha mặt nước. Hiện nay do vào mùa khô, nguồn nước sụt giảm nên địa phương khuyến cáo người dân không mở rộng thêm diện tích nuôi, giảm sản lượng cá thương phẩm hoặc chuyển trang trại qua nuôi các loại thuỷ sản khác để đảm bảo an toàn. Đồng thời phối hợp với các đơn vị chuyên môn tìm các giải pháp kỹ thuật tiết kiệm nguồn nước trong việc phát triển cá nước lạnh, tránh thiệt hại do khô hạn.

Chú thích ảnh
Trang trại nuôi cá tầm được đầu tư khá tốn kém với hệ thống bể và nguồn nước phải sạch. Ảnh tư liệu: Chu Quốc Hùng/TTXVN

Thống kê của ngành nông nghiệp huyện Đam Rông, toàn huyện hiện có 15 ha mặt nước nuôi cá nước lạnh, lớn nhất tỉnh Lâm Đồng và cả Tây Nguyên. Diện tích nuôi cá tầm tập trung tại xã Rô Men, Đạ M’Rông, Đạ Tông, Đạ Long và Liêng Srônh. Với năng suất bình quân 70 tấn/ha/năm, cá tầm đem về thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm cho người dân địa phương. Theo kế hoạch, giai đoạn 2025-2030, địa phương này mở rộng vùng nuôi lên 50 ha cá nước lạnh các loại.

Nguyễn Dũng (TTXVN)
Cá được giá, người nuôi cá lồng phấn khởi
Cá được giá, người nuôi cá lồng phấn khởi

Dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi trận bão lũ vừa qua, nhưng nhờ sự chủ động ứng phó nên hầu hết các lồng cá của người dân trên địa tỉnh Hưng Yên vẫn an toàn. Thời điểm này, nhiều hộ dân đã bắt đầu thu hoạch cá để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Năm nay, cá bán được giá, tiêu thụ thuận lợi nên người dân rất phấn khởi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN