Khó cho vay, ngân hàng cạnh tranh dịch vụ thanh toán

Mặc dù các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay, nhưng rất ít doanh nghiệp tiếp cận được vốn do nhiều rào cản về quy định. Thị trường tín dụng doanh nghiệp bị co hẹp, nhiều ngân hàng chuyển hướng khai thác dịch vụ thanh toán. Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, cạnh tranh dịch vụ trong thời gian tới sẽ rất nhộn nhịp.

Tăng gia tiện ích, dịch vụ

Từ đầu tháng 3/2012 đến nay, rất nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh dịch vụ thanh toán, thu hộ tiền điện, tiền nước, điện thoại và nhiều loại ủy thác thanh toán khác ví như tiền thuế xuất nhập khẩu. Tại Eximbank, với chương trình “Thanh toán tiền điện nhận ngay quà tặng”, khách hàng thanh toán hóa đơn tiền điện của Điện lực TP.HCM qua ngân hàng sẽ được tặng ngay phiếu mua hàng trị giá 300.000 đồng và miễn phí dịch vụ 6 tháng. Kết quả là rất nhiều khách hàng hưởng ứng chương trình này.

Dự báo trong tương lai không xa, mảng gia tăng tiện ích, dịch vụ thanh toán của các ngân hàng sẽ cạnh tranh khốc liệt.

Tương tự, Techcombank bên cạnh việc triển khai chương trình thu hộ tiền điện, cũng đưa ra chương trình thanh toán hóa đơn viễn thông trả sau qua ATM và fast i - bank. Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng vừa triển khai dịch vụ thu hộ tiền điện với cá nhân và doanh nghiệp tại TP.HCM và sẽ dành 3.000 phần quà cho khách hàng đầu tiên tham gia dịch vụ. Đối với khách hàng doanh nghiệp, VIB còn cho phép thấu chi với lãi suất ưu đãi khi thanh toán hóa đơn tiền điện và còn được miễn phí chuyển tiền nội bộ, sử dụng một số phí dịch vụ thường niên chuyển tiền trực tuyến... “Mạnh tay” hơn, Sacombank cho biết, trong năm 2012, Sacombank sẽ miễn phí đăng ký sử dụng và phí ủy thác thanh toán đối với hàng loạt hóa đơn như hóa đơn tiền điện (Điện lực TP.HCM), tiền nước (Công ty cấp nước Chợ Lớn), viễn thông (Mobifone)...

Tuy không tập trung vào tiện ích thu hộ hóa đơn dịch vụ, Maritime Bank lại tăng gia tiện ích tối đa dịch vụ ATM song hành miễn phí phát thẻ, miễn phí sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử M - banking trọn gói và được hưởng lãi suất không kỳ hạn cao nhất... Theo đó, từ ngày 9/4 - 3/6/2012, Maritime Bank triển khai chương trình khuyến mãi “Sử dụng dễ dàng, muôn vàn quà tặng”. Ông Phùng Duy Khương – Phó Tổng Giám đốc Maritime Bank, cho biết mục đích của ngân hàng làm hỗ trợ tối đa cho khách hàng trong thời kỳ “bão giá”.

Lợi cả đôi đường

Bên cạnh việc đẩy mạnh dịch vụ ủy thác thanh toán, tiện ích ở các thành phố lớn, nhiều ngân hàng nhanh tay vươn ra các tỉnh, thành nhỏ hơn và cả vùng sâu, vùng xa.
Đại diện Techcombank cho hay, giữa tháng 3/2012, ngân hàng này đã ký hợp tác thanh toán tiền điện với Tổng công ty điện lực miền Trung (EVN CPC). Như vậy, Techcombank chính thức trở thành ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên được ủy quyền để thực hiện dịch vụ thu hộ tiền điện cho EVN CPC tại khu vực miền Trung.

Cũng trong khoảng thời gian này, Vietcombank chính thức triển khai dịch vụ thanh toán tiền điện cho Công ty Điện lực Kon Tum với 7 địa bàn xa như Kon Rẫy, Đắk Tô, Đắk Hà, Sa Thầy, Đắk Glei, Phu Cưa. Vươn xa hơn, VIB còn mở cả dịch vụ bảo lãnh thanh toán thuế xuất nhập khẩu khi cam kết với cơ quan Hải quan về việc nộp thuế xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp. Nhận định về vấn đề trên, chuyên gia kinh tế Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh của ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho rằng: Thực tế, việc cho doanh nghiệp vay vốn trong thời điểm này quá nhiều rủi ro vì thanh khoản của doanh nghiệp hầu như đang rơi vào bế tắc.

Chính vì vậy, nhiều ngân hàng đã chuyển hướng sang cho vay cá nhân, làm dịch vụ. Trong đó, phát triển thanh toán dịch vụ là phương án “khôn” nhất để tái cơ cấu lãi của ngân hàng. Đây là “miếng bánh béo bở” và dự kiến không xa, các hoạt động này sẽ không kém phần sôi động, thậm chí là khốc liệt hơn vì trong một hai năm tới, tỉ lệ “ăn” tín dụng của ngân hàng vẫn không cao và sẽ tiếp tục giảm.

Ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, thừa nhận việc triển khai các tiện ích trên sẽ giúp các bên cùng hưởng lợi. Với ngân hàng, tiền không chạy đi đâu mà sẽ xoay vòng theo phương thức tiền – hàng – tiền. Ngoài ra, ngân hàng còn có thêm phí dịch vụ từ các loại dịch vụ thanh toán này.

“Phí dịch vụ thanh toán dù không nhiều và dù không được trả gì từ nhà cung cấp nhưng ngân hàng vẫn cạnh tranh các loại dịch vụ này bởi tiền sẽ chỉ nằm giữa các ngân hàng” - ông Tuân nói. Cũng theo chuyên gia Lê Thẩm Dương, việc ngân hàng đẩy mạnh hoạt động thanh toán sẽ có lợi cho cả nền kinh tế, vĩ mô cũng như vi mô. Vì dòng tiền sẽ dễ quản lý dòng tiền hơn, ngân hàng làm đúng chức năng của mình, đảm bảo an toàn trong giao dịch và tiện lợi cho cả người dân.

Bài và ảnh: Hải Yên

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN