Là trục xương sống trong hoạt động vận tải cả nước, nhưng ngành đường sắt đang phát triển ì ạch. Việc nhiều dự án đường bộ sắp hoàn thành, các hãng hàng không giá rẻ liên tục đổi mới đang tạo áp lực lên ngành đường sắt trong việc thu hút khách hàng.
“Vướng” đủ thứ
Kết quả khảo sát ý kiến người dân về mạng lưới đường sắt cho thấy, đường sắt đang thiếu sự kết nối với đường bộ và ngay trong chính hệ thống đường sắt với nhau. Không ít hành khách phàn nàn, các tuyến đường sắt từ Hà Nội đi Lào Cai, Hải Phòng, Lạng Sơn… thì chỉ đi được đến cuối tuyến, muốn đi tiếp đến địa phương khác thì không có tuyến và phải chuyển sang phương thức giao thông khác. Do đó, nhiều hành khách đã chọn cách đi đường bộ thay vì đường sắt.
Cầu vượt trong ga Hà Nội đã tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách lên tàu, xuống ga. Ảnh: CTV |
|
|
Chị Phương Dung, ở Lai Châu, hành khách thường xuyên đi tuyến Hà Nội - Lào Cai, cho biết: “Thỉnh thoảng tôi mới chọn đi tàu hỏa, vì đến Lào Cai là phải xuống ga, muốn đi tiếp đến Lai Châu, tôi lại phải chuyển sang đi xe khách. Việc chuyển đổi này rất mất thời gian và bất tiện cho công việc. Do đó, tôi thường chọn xe khách giường nằm đi thẳng tuyến Hà Nội - Lai Châu”.
Hơn nữa, giá vé đường sắt hiện ở mức cao nếu so với giá vé đường bộ, thậm chí là đường không. Do vậy, đường sắt chỉ quá tải vào những dịp lễ, Tết… Một cán bộ ngành đường sắt thừa nhận: “Giá vé tàu Thống Nhất Hà Nội - Sài Gòn hiện được tính theo kiểu cộng từng chặng rồi gộp vào cả hành trình, nên đắt hơn so với giá vé xe khách, thậm chí còn đắt hơn vé hàng không”.
Giá vé xe khách giường nằm Hoàng Long tuyến Hà Nội - Sài Gòn là 850.000 đồng, trong khi giá vé tàu nằm từ trên 1.500.000 đồng mà phải đi trong 30 giờ, còn giá vé hãng hàng không Vietjetair chỉ từ 590.000 đồng trở lên nếu đặt trước và chỉ mất khoảng 2 giờ bay… Sắp tới, có nhiều tuyến đường bộ cao tốc dọc trục Bắc - Nam hoàn thành, được đưa vào sử dụng. Như vậy, ngành đường sắt sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khá gay gắt với đường bộ.
Chưa hết, các chuyên gia giao thông nhận định: Ngành đường sắt đang gặp nhiều rào cản trong quá trình phát triển vì thiếu hành lang pháp lý, chưa có quy hoạch về không gian ngầm, chưa có hệ quy chuẩn về nguồn nhân lực xây dựng, vận hành, quản lý, lại gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng… Điều này khiến các dự án đường sắt chậm tiến độ, chậm kết nối với các phương thức giao thông khác.
Đơn cử, dự án đường sắt thí điểm Nhổn - Ga Hà Nội dự kiến đến năm 2016 sẽ đưa vào hoạt động thử. Mặc dù được khởi công từ cách đây hơn 3 năm, nhưng dự án này đang vướng trong khâu giải phóng mặt bằng và nhiều khả năng không thể cán đích đúng hẹn. Hàng loạt các dự án khác như: Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo… cũng trong tình trạng tương tự. Chủ đầu tư các dự án này đều nhận định không thể hoàn thành đúng tiến độ.
Phá thế độc quyền để phát triển
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam rà soát lại hơn 30 dự án đã và sắp triển khai đều có nguy cơ chậm tiến độ, để làm rõ nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục. Qua đó, Bộ sẽ ưu tiên các dự án thiết thực với nhu cầu vận tải hiện nay, đồng thời tạm dừng những dự án thiếu hiệu quả và quy trách nhiệm đối với những cá nhân, tập thể liên quan đến những dự án này.
Ngay đầu năm 2014, ngành đường sắt đã hoàn thành cây cầu vượt trong ga Hà Nội chỉ sau ba tháng thi công, tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách ra vào ga. Từ dự án cụ thể này, các chuyên gia giao thông cho rằng, muốn phát triển, ngành đường sắt trước mắt phải “phá bỏ” thế độc quyền trong kinh doanh vận tải. Theo đánh giá, chính thế độc quyền này đã khiến ngành đường sắt rơi vào tình trạng trì trệ. Do đó, ngành cần sớm cổ phần hóa doanh nghiệp, nhượng quyền khai thác, còn Nhà nước chỉ thực hiện vai trò quản lý, bảo trì cơ sở hạ tầng.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, ngành đường sắt đang thiếu khát vọng đổi mới, do vẫn còn tâm lý “Bộ Đường sắt”, chứ không phải là doanh nghiệp. Vì vậy, toàn ngành phải thay đổi ngay kiểu tư duy này. Theo đó, năm 2014, ngành phải đổi mới theo mục tiêu: “Thuận tiện - đúng giờ - an toàn - hiệu quả” và làm khách hàng hài lòng.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, ngay từ năm 2014, khâu quản lý hạ tầng và kinh doanh vận tải sẽ được tách riêng. Tổng công ty sẽ tập trung cổ phần hóa và kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực đường sắt, tiến tới không dùng vốn ngân sách để hoạt động. Ngành sẽ áp dụng công nghệ hiện đại vào quản lý điều hành, bán vé tự động, tuần đường... để nâng cao chất lượng dịch vụ. Riêng tại các ga chính như: Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn, ngành sẽ tập trung nâng cao đường ke ga (đường dẫn dọc theo đường ray) bằng sàn tàu, xây dựng hệ thống cầu vượt... để hành khách thuận tiện khi lên xuống tàu.
Tiến Hiếu