Khánh Hòa: Dành trên 29 tỷ đồng phòng, chống bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò

Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa vừa đưa ra kế hoạch phòng, chống bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2022 - 2030, với tổng kinh phí dự kiến hơn 29 tỷ đồng; trong đó, phần lớn là nguồn ngân sách nhà nước cấp tỉnh, huyện, còn hộ chăn nuôi chỉ đóng góp trên 2 tỷ đồng bao gồm tiền mua vaccine và tiền công tiêm vaccine.

Chú thích ảnh
Khi bị nhiễm bệnh, toàn bộ cơ thể của gia súc sẽ nổi nhiều u, cục lớn khiến trâu bò dần kiệt sức và chết. Ảnh: TTXVN phát

Mục tiêu của tỉnh Khánh Hòa là kiểm soát, khống chế thành công dịch bệnh viêm da nổi cục trâu, bò trên địa bàn tỉnh; góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, môi trường và hoạt động thương mại động vật, sản phẩm động vật của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Theo đó, hàng năm Khánh Hòa sẽ có khoảng 80% tổng số đàn trâu, bò được tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục; hàng năm giảm 20% số xã có dịch và số gia súc mắc bệnh viêm da nổi cục so với năm liền kề trước đó. Từ đó tạo sự phòng bệnh chủ động, có hiệu quả bằng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc và tiêu diệt các véc tơ truyền bệnh; xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh…

Căn cứ vào tình hình dịch bệnh trên địa bàn, hàng năm Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa sẽ xác định khu vực có nguy cơ cao, buộc phải tiêm phòng vaccine để phòng bệnh. Ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò của các cơ sở chăn nuôi dưới 10 con trâu, bò trên địa bàn toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Khánh Hòa có kế hoạch chủ động phòng bệnh có hiệu quả bằng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh tiêu độc khử trùng, tiêu diệt véc tơ truyền bệnh. Đối với cơ sở chăn nuôi, chỉ mua trâu, bò giống khỏe mạnh, nguồn gốc rõ ràng, đã được tiêm phòng các loại vaccine khác theo quy định, tổ chức nuôi cách ly trước khi nhập đàn. UBND các cấp cỏ trách nhiệm chỉ đạo xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh; xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Ngoài ra, kế hoạch phòng, chống bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò của Khánh Hòa còn đưa ra các yêu cầu, phương pháp thực hiện về công tác giám sát dịch bệnh; kiểm dịch động vật, kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y; việc ứng phó, xử lý ổ dich, chống dịch, quản lý, chăm sóc gia súc bệnh; tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người chăn nuôi và các cơ quan quản lý chuyên ngành…

Theo ghi nhận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, bệnh viêm da nổi cục trâu, bò xảy ra đầu tiên trên địa bàn tỉnh vào giữa tháng 7/2021 tại xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh, sau đó tiếp tục lây lan tại 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Đến cuối năm 2021, bệnh viêm da nổi cục trâu bò đã lây lan tại 64 xã với 781 hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng, làm gần 1.200 con bò mắc bệnh; trong đó, 93 con chết. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh Khánh Hòa bệnh viêm da nổi cục đã được kiểm soát và không phát sinh ổ dịch mới. Tính đến cuối năm 2021, tổng đàn trâu bò của tỉnh Khánh Hòa có hơn 78.900 con.

Tiên Minh (TTXVN)
Bình Định khẩn trương ngăn chặn dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò
Bình Định khẩn trương ngăn chặn dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

Chiều 28/2, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định cho biết, hiện nay dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò đã tái bùng phát tại Bình Định; đơn vị đang tích cực hỗ trợ các địa phương tiêm vaccine phòng bệnh để khống chế, không cho dịch lây lan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN