Ông Nguyễn Văn Mấy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò được phát hiện đầu tiên vào ngày 7/7/2021 tại ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, Tây Ninh. Sau đó bệnh tiếp tục xảy ra tại địa bàn khác trong tỉnh. Tính đến ngày 27/9/2021 có 8.332 con trâu, bò của 4.314 hộ dân trên địa bàn 92 xã thuộc 9/9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh bị bệnh viêm da nổi cục. Trong đó, số trâu, bò chết và tiêu hủy là 1.388 con.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, nguy cơ bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò của tỉnh tiếp tục lây lan nhanh rất cao vì một số lý do: Cơ chế lây truyền đa dạng, bệnh lây lan chủ yếu qua côn trùng mang mầm bệnh đốt như muỗi, ruồi, ve, mòng…; bệnh cũng có thể lan nhanh do hoạt động vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh. Cùng với đó là chăn nuôi trâu, bò của tỉnh phần lớn là chăn nuôi nhỏ, lẻ, xen lẫn trong khu dân cư, vệ sinh môi trường kém, dễ làm lây lan dịch bệnh. Hơn nữa, mầm bệnh đã xuất hiện tại nhiều địa phương trong tỉnh, thời tiết đang vào giai đoạn mưa nhiều, ẩm độ cao, mầm bệnh phát triển nhanh, trong khi sức đề kháng gia súc giảm…
Khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Tây Ninh là cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để khống chế dịch bệnh; trong đó có các giải pháp chủ yếu là tập trung điều trị, tiêm vaccine, tiêu độc khử trùng chuồng trại và môi trường xung quanh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh đề nghị các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh khẩn trương rà soát lại tổng đàn chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn từng xã, số lượng trâu, bò đã tiêm phòng, số cần phải tiếp tục tiêm phòng; đẩy mạnh tiến độ tiêm phòng để ngăn ngừa dịch bệnh.
Tính đến ngày 27/9, tỉnh Tây Ninh đã xuất ngân sách hỗ trợ tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò cho 42.147 con trâu, bò, đạt 97,56% kế hoạch tiêm. Công ty Vinamilk cũng hỗ trợ 1.700 liều vaccine cho các huyện tiêm phòng bệnh cho đàn bò sữa trong dân.