Trong số trên 30 công trình thủy điện đã được đưa vào sử dụng, ngoài việc đem lại nguồn lợi "vàng trắng", tích nước chống hạn mùa khô, điều tiết nước chống lũ vào mùa mưa thì việc biết khai thác và sử dụng diện tích mặt nước các lòng hồ để nuôi trồng thủy hải sản, phát triển du lịch cũng là một thế mạnh của các địa phương miền núi có lòng hồ thủy điện nhiều như ở Lào Cai hiện nay.
Nuôi cá lồng trên sông
Tính đến nay, Lào Cai đã có gần 40 đơn vị được cấp phép đầu tư gần 60 công trình thủy điện với tổng công suất gần 800 MW. Ngoại trừ các thủy điện khai thác trực tiếp nguồn nước chảy tự nhiên, hầu hết các thủy điện đều thực hiện quy trình kỹ thuật ngăn đập, tích nước để chạy máy phát điện. Chính việc ngăn đập tích nước đã tạo nên thế bất lợi cho người dân xưa nay sống ven sông suối, buộc họ phải sơ tán khi nhà máy ngăn dòng, tích nước, đồng nghĩa với việc mất đất canh tác và đất ở quen thuộc.
Thủy điện Bắc Hà là một ví dụ. Thủy điện này có công suất trên 90MW, khi tích nước đã ảnh hưởng đến ít nhất 10 xã thuộc 3 huyện Bắc Hà, Si Ma Cai và Mường Khương. Trong đó Bắc Hà có 6 xã với gần 100 hộ dân chịu ảnh hưởng; Mường Khương có 2 xã và huyện Si Ma Cai có 4 xã với hàng trăm hộ dân chịu ảnh hưởng khi ngăn đập. Có những xã phải di chuyển cả thôn bản do mực nước dâng cao. Đời sống người dân đang định canh định cư bỗng chốc phải di dời gặp không ít khó khăn. Chủ đầu tư phải san tạo mặt bằng lập khu tái định cư, hỗ trợ người dân tiền làm nhà và các điều kiện cần thiết khác để duy trì sản xuất, sớm ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, được sự khuyến cáo và hướng dẫn kỹ thuật của Chi cục Thủy sản tỉnh, các huyện Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai đã tận dụng mặt nước hồ thủy điện để đóng lồng nuôi cá. Từ những nông dân vốn chỉ quen leo đồi, trèo núi phát nương làm rẫy tra bắp, trồng sắn, đến nay bà con người Mông các xã: Bản Mế, Thào Chư Phìn, Sín Chéng và Nàn Sín phát triển nghề nuôi cá lồng. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai cho biết, lòng hồ thủy điện Cốc Ly chảy qua các xã Bản Mế, Thào Chư Phìn, Sín Chéng và Nàn Sín (huyện Si Ma Cai) và Tả Thàng (huyện Mường Khương), Bảo Nhai (Bắc Hà). Đến nay trên tuyến này đã có gần 150 lồng cá; riêng huyện Bắc Hà có trên 90 lồng cá đem lại nguồn lợi thủy sản cho 3 huyện miền núi đặc biệt khó khăn này hàng trăm tấn cá mỗi năm.
Anh Vũ Văn Nhân, hộ nuôi cá ở xã Cốc Ly cho biết: "Gia đình bắt đầu nuôi cá lồng từ năm 2013 với 5 lồng cá, chủ yếu là các giống lăng vàng, trắm đen, điêu hồng, cá chiên. Chúng tôi tận dụng những tiềm năng sẵn có của vùng lòng hồ thủy điện để nuôi cá nên rất thuận lợi. Mỗi lồng thu hoạch từ 3 đến 4 tấn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/lồng. Nhất là, chúng tôi tận dụng các loại cá nhỏ trong tự nhiên làm nguồn thức ăn cho cá nuôi, giữ gìn môi trường nước, vệ sinh lồng bè sạch sẽ để bảo đảm năng suất cao cũng như chất lượng của sản phẩm".
Năm 2014, có 34 lồng cá thử nghiệm trên địa bàn xã Cốc Ly cho thu hơn 20 tấn cá, với giá bán bình quân 80.000 đồng/kg, đã mang lại nguồn thu gần 2 tỷ đồng. Xã Bản Mế, huyện Si Ma Cai nuôi thử nghiệm trên một chục lồng cá cũng thu lợi tiền tỷ. Hiện nay Bắc Hà và Si Ma Cai đang mở rộng làm lồng nuôi cá ra các xã lân cận như: Bản Liền, Nậm Khánh, Hoàng Thu Phố và một số xã trong khu vực hồ thủy điện.
Đánh thức tiềm năng du lịch
Theo ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lào Cai, lòng hồ thủy điện Cốc Ly không chỉ là môi trường tốt để phát triển nuôi cá lồng mà còn mở ra cơ hội phát triển du lịch, dịch vụ cho các xã trong khu vực.
Qua khảo sát, dọc tuyến sông Chảy, đoạn từ cầu Bản Mế (xã Bản Mế, huyện Si Ma Cai) đến thủy điện Cốc Ly (xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà) có nhiều hang động tự nhiên rất đẹp. Hai bên bờ sông là những cánh rừng nguyên sinh với nhiều loài hoa lan quý mở ra cơ hội phát triển tuyến du lịch sinh thái mới cho 3 huyện Si Ma Cai, Bắc Hà và Mường Khương. Theo bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng Phòng tài nguyên Du lịch thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lào Cai, năm 2012, Sở đã phối hợp với các huyện tổ chức khảo sát tuyến này để đánh giá khái quát tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch của lòng sông Chảy đoạn qua 3 huyện. Đến nay, tuyến du lịch này đã chính thức đưa vào khai thác và đây cũng là tuyến du lịch đường sông hấp dẫn nhất trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện nay.
Đặc biệt, đến địa danh ba huyện phía Đông này, du khách sẽ được đi du lịch trên sông nước với chiều dài trên 50km qua các thác ghềnh, hai bên bờ là những khu rừng nguyên sinh, hang động quyến rũ. Cư dân 12 xã dọc lòng hồ thủy điện Cốc Ly đang có cơ hội mở mang các dịch vụ du lịch đón khách. Địa phương đi tiên phong là thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai đến nay đã có đội thuyền và hướng dẫn viên đưa khách di du lịch đường sông theo lòng hồ cả tour với giá hợp lý nên đã thu hút khá nhiều du khách. Người dân thôn Trung Đô giờ đây đã khấm khá hơn nhờ có thêm nguồn thu từ nuôi cá lồng và làm du lịch.
Lục Văn Toán