Đây là một trong những động thái quyết liệt của tỉnh về chống khai thác IUU, quyết tâm cùng cả nước tháo gỡ “Thẻ vàng” của EC, hướng đến phát triển nghề cá bền vững.
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, lập danh sách, tăng cường giám sát tàu cá có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài. Các tàu cá được xác định có nguy cơ vi phạm bao gồm: Tàu cá thuộc nhóm nghề nguy cơ cao (câu, lặn, dịch vụ hậu cần,…) tại địa bàn có nhiều tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; tàu cá hoạt động vùng khơi thường xuyên mất kết nối VMS trên vùng giáp ranh hoặc tàu cá mất kết nối VMS dưới 6 giờ lặp đi, lặp lại nhiều lần trên vùng giáp ranh mà không báo cáo, không rõ nguyên nhân; tàu cá đã từng vi phạm vùng biển nước ngoài bị phát hiện hoặc tàu cá có ngư dân đi trên tàu (đặc biệt là thuyền trưởng) đã từng vi phạm vùng biển nước ngoài, bị bắt giữ trả về…
Qua căn cứ các yếu tố, dấu hiệu tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài, các cơ quan, đơn vị và địa phương đã xác định được có 173 tàu cá có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài; trong đó, Huyện Tuy Phong có 13 chiếc; thành phố Phan Thiết có 18 chiếc; huyện Hàm Thuận Nam có 2 chiếc; thị xã La Gi có 48 chiếc; huyện Hàm Tân có 7 chiếc; huyện đảo Phú Quý có 85 chiếc.
Nhằm tăng cường quản lý, kiểm soát, giám sát chặt chẽ tàu các nguy cơ cao, kịp thời ngăn chặn từ sớm, từ xa, kiên quyết không để tàu cá của tỉnh Bình Thuận vi phạm vùng biển nước ngoài, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là chính quyền cơ sở (cấp huyện, cấp xã) tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, yêu cầu các chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài; phát huy vai trò của các tổ chức hội, đoàn thể tham gia tuyên truyền, nắm tình hình, giám sát đối tượng nguy cơ cao (gồm tàu cá, thuyền trưởng, lao động trên tàu cá), vận động nhân dân tố giác các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ để chủ động ngăn chặn kịp thời.
Cùng với đó, UBND tỉnh giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố vùng biển chỉ đạo chính quyền cấp xã quản lý chặt chẽ số tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài; phân công cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, hội viên các hội đoàn thể tại cơ sở phụ trách, theo dõi nắm thông tin tình hình hoạt động của tàu cá, kịp thời ngăn chặn từ sớm, từ xa các đối tượng có dấu hiệu vi phạm.
Định kỳ 15 ngày (giữa tháng và cuối tháng), cập nhật thông tin hoạt động của tàu cá gửi Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh) để tổng hợp, theo dõi.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các lực lượng chức năng (Biên phòng, Kiểm ngư, Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá) thực hiện nghiêm việc kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất nhập bến, ra vào cảng theo đúng quy định; đảm bảo 100% tàu cá đủ điều kiện hành nghề mới cho xuất bến, rời cảng đi khai thác. Nếu để tàu cá không đủ điều kiện hành nghề làm thủ xuất bến, rời cảng đi hoạt động trên biển thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị theo dõi, giám sát 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát hành trình tàu cá; kịp thời cảnh báo, xử lý khi phát hiện tàu các mất kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển; đồng thời, thường xuyên sàng lọc, lập danh sách tàu cá mất kết nối VMS lặp đi lặp lại nhiều lần, nhất là tàu cá mất kết nối tại vùng biển giáp ranh các nước, tàu cá vượt ranh giới trên biển gửi các lực lượng chức năng (Biên phòng, Kiểm ngư, Công an) và chính quyền địa phương để làm việc với chủ tàu, thuyền trưởng xác minh và xử lý 100% các trường hợp vi phạm.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, số lượng tàu cá “3 không” đã rà soát, thống kê là 2.515 chiếc. Chi cục Thủy sản đã cấp đăng ký tạm cho 2.348 tàu cá “3 không” và đang tiếp tục rà soát, thống kê và cấp đăng ký theo quy định.
Đến nay, Bình Thuận đã hoàn thành lắp đặt thiết bị VMS cho tất cả tàu cá đang hoạt động; 11 tàu cá chưa lắp đặt (thị xã La Gi 3 tàu; thành phố Phan Thiết 4 tàu; huyện Phú Quý 3 tàu; huyện Tuy Phong 1 tàu), các tàu này ngừng hoạt động do hư hỏng nằm bờ, thi hành án, tranh chấp dân sự... đã được cơ quan chức năng lập danh sách để quản lý, giám sát theo quy định.