Chính phủ đã thống nhất chủ trương của Bộ Tài chính áp dụng biện pháp bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Dự kiến trong tháng 5 này, Bộ Tài chính sẽ đưa ra giá trần đối với mặt hàng sữa. Bộ Tài chính khẳng định: Việc áp giá trần chắc chắn sẽ khiến giá sữa giảm so với hiện nay.
Phóng viên báo Tin Tức (TTXVN) đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Tài chính) xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, kết quả thanh tra 5 doanh nghiệp lớn kinh doanh sữa vừa qua cho thấy, các doanh nghiệp có nhiều sai phạm. Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?
Qua đợt thanh tra giá sữa của 5 công ty chiếm thị phần lớn trong nước là: Công ty Cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk, Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A (Việt Nam), Công ty TNHH Nestle Việt Nam, Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam, Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam), Bộ Tài chính đã phát hiện ra nhiều sai phạm tại các công ty này. Quan trọng hơn, từ kết quả thanh tra đó, Bộ đã nhận diện được tình hình giá sữa thời gian qua. Theo tôi, đã đến lúc chúng ta phải triển khai những biện pháp cần thiết để bình ổn giá mặt hàng sữa nói chung, trước hết là mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Bộ Tài chính đã thống nhất với các ngành trình Chính phủ một số biện pháp để thực hiện bình ổn giá sữa, trong đó có biện pháp quy định giá tối đa (giá trần) mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Dựa vào cơ sở nào mà Bộ Tài chính kiến nghị áp giá trần đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, thưa ông?
Giá sản phẩm sữa của 5 doanh nghiệp có thị phần lớn chỉ tăng mà không giảm. Riêng năm 2013, có những mặt hàng có mức tăng rất cao, tới 30,7%. Ba tháng đầu năm nay, có 2 công ty là Vinamilk và Nestle VN tăng giá từ 5 - 14%. Đặc biệt, qua thanh tra, Bộ Tài chính phát hiện 4/5 công ty chi vượt chi phí quảng cáo, khuyến mãi, tiếp thị với số tiền là 386 tỉ đồng, làm tăng giá thành, tăng giá bán từ 2,18 - 16,39%... Thực tế trên yêu cầu Bộ phải ra tay bằng biện pháp áp giá trần và pháp luật cho phép làm việc này.
Cụ thể, Luật Giá quy định Chính phủ quyết định chủ trương biện pháp bình ổn giá và giao Bộ Tài chính thực hiện khi thị trường có những biến động bất thường. Biện pháp để bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi là đăng ký giá, quy định giá trần. Việc quy định giá trần hay còn được gọi là giá tối đa sẽ được thực hiện trong 12 tháng kể từ khi quyết định được công bố. Cùng một mặt hàng, các doanh nghiệp khác nhau sẽ có giá bán khác nhau. Có người bán bằng hoặc thấp hơn giá tối đa. Cho nên, doanh nghiệp, đại lý bán giá bao nhiêu thì Nhà nước không can thiệp nhưng không được bán cao hơn giá tối đa mà Nhà nước quy định.
Để thực hiện giá bán sản phẩm của mình, doanh nghiệp phải đăng ký với cơ quan quản lý giá trên địa bàn như: Vinamilk sẽ đăng ký giá với Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Mead Johnson đăng ký giá bán với Bộ Tài chính.
Việc tính giá trần có khả thi hay không khi mà thị trường đang có hàng trăm mặt hàng sữa của hàng trăm công ty sản xuất và kinh doanh sữa, thưa ông?
Trên thị trường có khoảng 200 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu sữa với nhiều chủng loại sữa. Điều này sẽ dẫn đến những khó khăn nhất định khi tính giá trần. Nếu Nhà nước xác định giá trần cho từng sản phẩm sữa thì sẽ khó thực hiện được. Do vậy, chúng ta chỉ cần xác định giá trần đối với một số mặt hàng có tính chất làm chuẩn; trên cơ sở đó sẽ xây dựng mức giá chuẩn với các mặt hàng còn lại.
Bộ Tài chính sẽ tập trung vào các doanh nghiệp có thị phần lớn, đặc biệt là 5 doanh nghiệp trên. Trong các doanh nghiệp lớn này, cơ quan quản lý sẽ chỉ quy định giá trần đối với các chủng loại sản phẩm có tỉ suất lợi nhuận lớn, tỉ trọng tiêu thụ lớn. Với hướng này, tôi nghĩ việc áp giá trần là hoàn toàn khả thi.
Minh Phương - Thùy Dương