Theo đó, có 6 dự án được đề xuất gồm dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông đường sắt vào cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; dự án đầu tư xây dựng công trình đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu; dự án đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng; dự án tuyến đường sắt vành đai phía Đông thuộc đường sắt khu đầu mối thành phố Hà Nội; dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ.
Theo lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam, hình thức kêu gọi đầu tư nước ngoài các dự án này là tài trợ vốn, hợp tác hoặc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật; liên doanh, góp vốn mua cổ phần; cung cấp thị trường…
Cục Đường sắt Việt Nam cho hay, các dự án đường sắt kết nối vào cảng Lạch Huyện (thành phố Hải Phòng), cảng hàng không Long Thành (tỉnh Đồng Nai), kết nối quốc tế với Lào tại Mụ Giạ (tỉnh Quảng Bình), kết nối với cảng Cái Mép - Thị Vải tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và vành đai Hà Nội đều đã được quy hoạch tại Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu dài 84km, khổ 1.435mm; tuyến Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ dài 103km, khổ 1.435mm; tuyến Thủ Thiêm - Long Thành dài 38km, khổ 1.435mm và tuyến vành đai phía Đông Hà Nội dài 59km, khổ lồng 1.000mm và 1.435mm. Các dự án này có lộ trình đầu tư ở cả 2 giai đoạn trước và sau năm 2030.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng đến 2050 ngoài 7 tuyến đường sắt hiện nay, sẽ có 18 tuyến đường sắt mới, bao gồm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tổng cộng chiều dài toàn mạng là 6.354km. Ngoài ra còn có các tuyến nhánh kết nối các cảng biển.
Quy hoạch cũng đưa ra các dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2030. Trong đó, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh ưu tiên triển khai đoạn Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang – TP Hồ Chi Minh; đồng thời cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có... Tổng nhu cầu vốn giai đoạn này là 240.000 tỷ đồng.