Còn nhiều vướng mắc về thủ tục
Đại sứ Hà Kim Ngọc, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Hoa Kỳ, cho biết Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vốn nổi tiếng là vựa lúa, trung tâm sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đóng góp 50% sản lượng lương thực, gần 70% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam. Ngoài ra, với hệ thống giao thông, logictis không ngừng được đầu tư, các tỉnh ĐBSCL đang trở thành một trong những đầu mối xuất khẩu hàng hoá lớn của cả nước. Hoa Kỳ là thị trường lớn nhiều tiềm năng, có nhu cầu ngày càng cao đối với hàng Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Đại sứ Hà Kim Ngọc, mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng việc đưa hàng hóa ở vùng ĐBSCL nói riêng và hàng hóa hóa Việt Nam nói chung vào Hoa Kỳ vẫn còn nhiều thách thức. Nguyên nhân là do doanh nghiệp Việt còn bị vướng các rào cản thương mại kỹ thuật về tiêu chuẩn môi trường, lao động, nguồn gốc xuất xứ... Đặc biệt, nhiều hàng hóa Việt Nam còn phải tuân thủ nghiêm ngặt lẫn có yêu cầu cao về chất lượng, mẫu mã sản phẩm và doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng mong muốn các đối tác cam kết làm ăn uy tín lâu dài có nguồn hàng ổn định, hiểu biết các quy định và pháp luật nước sở tại.
Bà Emily Nguyễn, đại diện một công ty nhập xuất nhập khẩu của Hoa Kỳ cho biết, Việt Nam đứng đầu thế giới về vùng trồng thanh long nhưng chất lượng của hàng Việt Nam chưa đủ để bán cho người Mỹ. “Thanh long ở Mỹ chủ yếu bán cho người Á Đông với tỷ lệ khoảng 2-3%. Trong 10 năm qua, tôi thấy nhiều công ty mang thanh long qua Mỹ nhưng khó thành công vì việc đáp ứng các tiêu chuẩn của Mỹ. Theo thống kê, dù Việt Nam có vùng trồng thanh long lớn nhưng chỉ có chừng 5% thanh long vào được Mỹ. Đa số là xuất khẩu sang Trung Quốc, cũng như một số quốc gia khác”, bà Emily Nguyễn nói.
Theo bà Emily Nguyễn, doanh nghiệp Việt Nam muốn mang thanh long bán vào thị trường Mỹ cần chú ý về nâng cao chất lượng. "Chất lượng ở đây không chỉ là hàng đẹp mà cần phải tuân theo quy định chất lượng của Mỹ vì mỗi loại trái cây vào Hoa Kỳ đều có một quy định riêng", bà Emily Nguyễn cho biết.
Tương tự, ông Peter Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, cho biết Việt Nam trồng bốn loại là thanh long ruột trắng vỏ hồng, ruột đỏ vỏ hồng, ruột trắng vỏ vàng và ruột tím da xanh. Hàng năm, Việt Nam thu hoạch khoảng 1,7 triệu tấn thanh long nhưng có đến 62% bán cho Trung Quốc còn lại tiêu thụ cho thị trường lân cận.
"Thanh long Việt Nam trồng tại Hoa Kỳ được bán với giá là 2,8USD/kg, trong khi đó, thanh long vận chuyển bằng máy bay từ Việt Nam qua Hoa Kỳ được bán đến 5USD/kg, như vậy thanh long từ Việt Nam khó cạnh tranh nếu không chú trọng nâng cao năng suất và hạ giá thành khi xuất khẩu", ông Peter Hồng cho biết.
Đảm bảo chất lượng đầu ra đồng bộ
Theo ông David Dương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt kiều tại Hoa Kỳ, hiện nay có một số người nhập hàng Việt Nam và phân phối tại thị trường Hoa Kỳ nhưng ở quy mô nhỏ lẻ. Ngoài ra, tại các siêu thị của Hoa Kỳ cũng xuất hiện nhiều loại trái cây từ Việt Nam. "Đây là tín hiệu đáng mừng nhưng nếu để những người xuất nhập khẩu nhỏ lẻ, đơn phương làm thì khó kiểm soát chất lượng hàng hoá khi xuất khẩu nhiều. Bởi các doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể hôm nay họ nhập hàng Việt Nam, ngày mai họ lại nhập Thái Lan nếu hàng Việt Nam không duy trì chất lượng ổn định. Nếu doanh nghiệp Việt Nam có một nơi tập trung hàng hoá để kiểm tra, kiểm soát tất cả tiêu chuẩn chất lượng sẽ đảm bảo uy tín cho thương hiệu hàng Việt thì hàng hóa Việt Nam sẽ xuất khẩu bền vững sang thị trường Hoa Kỳ", ông David Dương cho biết.
Mặt khác, ông David Dương cũng cho rằng, nếu muốn làm ăn ổn định, lâu dài tại thị trường Hoa Kỳ, nhà nông Việt Nam và nhà xuất khẩu phải hợp tác chặt chẽ từ khâu trồng trọt đến khâu phân phối để tạo ra sản phẩm đầu ra có chất lượng đồng bộ. "Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp bán trái thanh long cùng kích cỡ nhưng khi cắt ra một trái ngọt, một trái chua cũng ảnh hưởng đến thị trường. Do đó, làm sao đảm bảo chất lượng đồng bộ ngay từ khâu trồng trọt là rất quan trọng khi mang hàng hóa thâm nhập thị trường Hoa Kỳ. Có như vậy mới có thị trường bền vững chứ không phải chất lượng hàng hóa lúc này lúc khác. Bởi, hàng hóa Việt Nam thường không đồng bộ về chất lượng đầu ra xuất phát từ khâu trồng trọt không theo các quy chuẩn, quy mô nhỏ lẻ, không kiểm soát chặt vấn đề an toàn thực phẩm…”, ông David Dương nói.
Để giúp doanh nghiệp (DN) Việt đưa hàng hóa vào thị trường Hoa Kỳ, ông Trần Phước Anh, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP Hồ Chí Minh, cho biết hiện tại TP Hồ Chí Minh có 53 cơ quan đại diện lãnh sự các nước nên Sở sẽ kết nối DN Việt Nam với cơ quan quản lý nhà nước để cung cấp cho DN về các chính sách, định hướng cũng như chủ trương của Chính phủ Việt Nam trong phát triển kinh tế và giao thông với các nước, đặc biệt là với Hoa Kỳ. Sở cũng đang có kế hoạch xây dựng trung tâm phân phối hàng Việt Nam ở các nước để hỗ trợ tối đa cho DN Việt Nam khi xuất khẩu; hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN giải quyết, tháo gỡ những khó khăn hoặc thúc đẩy tiến trình triển khai các hoạt động kinh tế diễn ra thuận lợi giữa DN Việt Nam và DN nước ngoài thông qua việc tổ chức, thu xếp các cuộc gặp gỡ với cơ quan quản lý nhà nước với DN và DN Việt Nam với DN nước ngoài…
"Với chủ trương của Chính phủ đặt ra từ đầu những năm 2000, các đơn vị ngoại giao phải làm sao tham gia phục vụ cho việc hỗ trợ phát triển kinh tế. Chúng tôi tâm niệm làm sao hỗ trợ tối đa cho DN cũng như các địa phương, hỗ trợ cho tất cả các DN Việt Nam khi muốn đưa hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ”, ông Trần Phước Anh nói.
Theo Đại sứ Hà Kim Ngọc, hợp tác thương mại Hoa Kỳ và Việt Nam đang phát triển rất năng động. Đến nay, tổng kim ngạch hàng hoá hai nước mỗi năm đạt gần 80 tỷ USD. Việt Nam và Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại của nhau, đặc biệt Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19, các hoạt động hợp tác đầu tư y tế giữa hai nước tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Thông qua các chính sách cụ thể, nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho DN kiều bào đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Đến nay, đã có trên 3.000 DN có vốn đầu tư của kiều bào được cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh ở Việt Nam. Nhiều DN kiều bào đã trở thành đại diện kênh phân phối, đưa hàng Việt Nam đến các nước, trong đó có Hoa Kỳ. Đây chính là những cầu nối hữu hiệu đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ.
“Vì vậy, để thúc đẩy, kết nối giữa các tỉnh ĐBSCL và các DN kiều bào tại Hoa Kỳ, các DN ĐBSCL cần nâng cao chất lượng hàng hóa, phát huy các thế mạnh của mỗi địa phương, tận dụng những cơ hội giao lưu, giao thương với các DN kiều bào Mỹ thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại Hoa Kỳ. Các cơ quan đại diện này sẽ luôn đồng hành để hỗ trợ các địa phương, hiệp hội và DN. Trong đó, sẽ chú trọng nhiệm vụ hỗ trợ các tỉnh ĐBSCL tham gia chuỗi cung ứng hàng hoá toàn cầu, cụ thể là đưa hàng hóa và thị trường Mỹ, từ đó thúc đẩy hợp tác giữa doanh nhân người Việt tại Hoa Kỳ và trong nước”, ông Hà Kim Ngọc nói.