Chỉ tính trong tuần qua, toàn tỉnh đã thả nuôi hơn 73 triệu con tôm sú giống trên diện tích 1.082 ha và 111 triệu con tôm thẻ chân trắng trên diện tích 174 ha.
Điều đáng lo ngại, tôm nuôi vẫn tiếp tục chết trên diện rộng. Từ đầu vụ nuôi đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 1.000 hộ bị thiệt hại với trên 50 triệu con tôm sú (chiếm 35% con giống thả nuôi thâm canh và bán thâm canh) trên diện tích 243 ha và 106 triệu con tôm thẻ chân trắng (chiếm hơn 16% con giống thả nuôi) trên diện tích gần 200 ha. Tôm chết chủ yếu do bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy, phần lớn tôm chết ở giai đoạn từ 10 - 30 ngày tuổi sau khi thả giống nên rất nhiều hộ nuôi bị mất trắng, không thu được sản lượng.
Ông Phạm Minh Truyền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, gần 2 tháng nay, thời tiết và môi trường nước trên địa bàn tỉnh không ổn định, mưa trái mùa, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao đã ảnh hưởng rất lớn đến tôm nuôi. Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã nhiều lần khuyến cáo các hộ nuôi chậm thả giống, nếu thả chỉ nên thả rải vụ thăm dò, khi thấy tôm phát triển tốt mới tiến hành thả đồng loạt. Tuy nhiên, nhiều hộ nuôi tôm vẫn liên tục thả giống khiến dịch bệnh tôm nuôi lây lan trên diện rộng.
Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người nuôi tôm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng cho khoảng 500 lượt người nuôi tôm tại các vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh. Sở cũng cử cán bộ kỹ thuật xuống địa bàn hỗ trợ trực tiếp cho người nuôi phương pháp điều trị bệnh cho tôm, hướng dẫn quy trình cải tạo xử lý ao nuôi, nuôi tôm theo biện pháp sinh học…
Vụ nuôi tôm 2017, tỉnh Trà Vinh có kế hoạch thả nuôi khoảng 1,9 tỷ con giống tôm sú trên diện tích 18.000 ha và thả nuôi khoảng 3 tỷ con giống tôm thẻ chân trắng trên diện tích 6.000 ha; phấn đấu đạt tổng sản lượng 38.700 tấn tôm thương phẩm.