Con số trên được đưa ra trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) mới nhất của IMF, cho thấy một sự cải thiện đáng kể từ mức suy giảm 3,5% trong năm 2020. Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo triển vọng này đang bị đe dọa bởi sự không chắc chắn liên quan tới vấn đề dịch bệnh. Cơ quan này kêu gọi các chính phủ cần tiếp tục hành động để ngăn chặn những thiệt hại kéo dài do cuộc khủng hoàng COVID-19 gây ra.
Báo cáo cho biết việc số ca mắc COVID-19 mới gia tăng ở một số quốc gia cùng những biến thể của virus SARS-CoV-2 gây ra dịch COVID-19 đã buộc nhiều nước phải tái áp đặt lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại. Các vấn đề hậu cần liên quan tới việc phân phối vaccine đặt ra những vấn đề quan trọng cần giải quyết cho các quốc gia.
Đồng thời, IMF cho biết ngay cả khi ghi nhận tăng trưởng, nhiều nền kinh tế sẽ không thể phục hồi về mức trước đại dịch trong năm nay.
Dự báo của IMF cho biết mức tăng trưởng của kinh tế Mỹ sẽ cao hơn hai điểm so với dự kiến trước đó và đạt 5,5% - mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 1984. IMF cũng nâng dự báo tăng trưởng năm 2021 của Nhật Bản thêm 0,8 điểm phần trăm lên 3,1%.
Đối với Trung Quốc, báo cáo IMF nhận định nền kinh tế này sẽ tăng trưởng 8,1% trong năm nay, thấp hơn một chút so với dự báo tháng 10/2020. Trong khi đó, kinh tế Ấn Độ sẽ tăng tới 11,5%, cao hơn 2,7 điểm so với ước tính trước đó.
Tuy nhiên, giữa bối cảnh các nước châu Âu đã ra lệnh phong tỏa và thậm chí giới nghiêm trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 gia tăng, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) 1 điểm phần trăm xuống còn 4,2%, với sự tụt hạng đáng kể tại Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Italy.
IMF cũng lưu ý rằng dù thỏa thuận vào phút cuối giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã ngăn chặn rủi ro chính đối với triển vọng của nền kinh tế nước này song IMF đã điều chỉnh giảm mức tăng trưởng của "xứ sở sương mù" 1,4 điểm xuống 4,5% trong năm nay.