Hút vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông

Giai đoạn từ năm 2016 -2020, ngành giao thông vận tải (GTVT) cần nhu cầu vốn xây dựng hạ tầng khoảng 1.015.000 tỷ đồng. Do ngân sách khó đáp ứng được nhu cầu này, Bộ GTVT đang xây dựng các kịch bản huy động vốn xã hội hóa để “hút” thêm nguồn vốn mới.

Linh hoạt hình thức hút vốn

Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) Nguyễn Phi Thường cho rằng: Để hút thêm nguồn vốn mới đầu tư cho hạ tầng, tới đây ngành GTVT cần đẩy mạnh chính sách “lấy hạ tầng nuôi hạ tầng”, nhất là bán và nhượng quyền khai thác các công trình hạ tầng đã và đang hoàn thành. Thực hiện giải pháp này, Nhà nước vẫn quản lý được những vấn đề cốt yếu, doanh nghiệp bỏ vốn ra đầu tư phải thu hồi được vốn, còn người dân được sử dụng dịch vụ tốt hơn và bỏ ra mức chi phí hợp lý.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đầu tư bằng vốn xã hội hóa. Ảnh:VIDIFI

Nhiều chuyên gia giao thông đồng quan điểm nhận định: Không chỉ năm 2016, mà những năm tới, Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc phân bổ nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cho hạ tầng. Do đó, việc kêu gọi các nguồn vốn đầu tư ngoài xã hội, vốn đầu tư nước ngoài để phát triển, hoàn thiện, đồng bộ hệ thống hạ tầng GTVT vẫn là vấn đề ưu tiên hàng đầu. Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, Nhà nước cũng cần hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia các dự án giao thông bằng các biện pháp như đổi đất lấy hạ tầng, cho kéo dài thời gian thu phí để giảm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp…

“Bộ GTVT đã trình Chính phủ phương án xã hội hóa để đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, với các đề án tổng thể phát triển hệ thống đường bộ, đường sắt, hàng không. Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp bằng cơ chế chính sách để nhà đầu tư giảm rủi ro nhất và được bảo đảm về lợi ích khi đầu tư”.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết

Qua tìm hiểu, nhiều quốc gia trên thế giới đều huy động vốn phát triển hạ tầng theo hình thức đối tác công tư. Đơn cử như Ấn Độ, quốc gia có hệ thống đường bộ lớn thứ hai thế giới (3,34 triệu km) có nhu cầu vốn lớn để nâng cấp cơ sở hạ tầng. Để thu hút vốn xã hội hóa, Ấn Độ thành lập Quỹ Hạ tầng và Đầu tư Quốc gia để “hút” vốn của các nhà đầu tư nước ngoài theo hình thức BOT (Kinh doanh - xây dựng - chuyển giao) và PPP (Đối tác công tư). Trong đó, Nhà nước nắm giữ 49% cổ phần công ty, còn lại để thu hút các nhà đầu tư trực tiếp vào các dự án. Hay Trung Quốc hiện đã mở cửa cho phép các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào các dự án hạ tầng theo mô hình BOT, cổ phần, trái phiếu... trong đó, Chính phủ khuyến khích các ngân hàng cho vay vốn đối với các dự án nhượng quyền, hỗ trợ tín dụng với các khoản nợ thời hạn lên tới 30 năm. Đổi lại, Chính phủ cam kết đảm bảo bảo vệ lợi ích pháp lý của nguồn vốn xã hội hóa và bảo đảm sự ổn định của các hoạt động chuyển nhượng.

Trao đổi vấn đề này, Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng ban Đối tác công tư (PPP - Bộ GTVT) Nguyễn Viết Huy cho hay: Với nhu cầu vốn giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ GTVT khoảng 1.015.000 tỷ đồng, trong bối cảnh ngân sách đầu tư cho giao thông ngày càng hạn hẹp, thu hút vốn xã hội hóa đầu tư vào hạ tầng hiện nay là giải pháp ưu tiên hàng đầu của ngành, nhất là hình thức đối tác công tư. Nguồn vốn này dự kiến trong 5 năm 2016 - 2020 nếu “suôn sẻ” sẽ huy động khoảng 200.000 tỷ đồng, trung bình mỗi năm khoảng 40.000 tỷ đồng để đầu tư vào hạ tầng.

Ngay trong năm 2016, Bộ GTVT sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế, thể chế chính sách, quy định của pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, nhằm tạo hành lang pháp lý cao nhất về đầu tư theo hình thức đối tác công tư để trình Quốc hội phê chuẩn; đồng thời xây dựng các phương án nhượng quyền khai thác các dự án hạ tầng giao thông đã được đầu tư để có thêm nguồn vốn mới đầu tư các dự án tiếp theo.

Khai thác hiệu quả các nguồn lực

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết: Cùng với việc huy động các nguồn vốn xã hội hóa, Bộ GTVT sẽ có giải pháp để khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn này. Trên tinh thần đó, Bộ GTVT đã tích cực chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư theo hướng gắn trách nhiệm cụ thể của các nhà đầu tư, nhà thầu, tư vấn, giám sát, với hàng loạt quy định về kiểm soát tiến độ, chất lượng công trình, đánh giá, xếp hạng năng lực chủ đầu tư, nhà thầu… được ban hành. Đây là những “chế tài” đảm bảo nguồn vốn xã hội hóa được đầu tư đúng địa chỉ và phát huy được hiệu quả phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Do đó, các công trình, dự án khi hoàn thành đưa vào khai thác đã phát huy tác dụng, giúp tăng năng lực toàn hệ thống.

Hầm Phước Tượng (Thừa Thiên - Huế) trên tuyến quốc lộ 1 được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN

Theo thống kê của Bộ GTVT, giai đoạn 2010 - 2015 đã có hơn 300 công trình, dự án hạ tầng giao thông được khánh thành, đưa vào khai thác, chủ yếu được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa. Điển hình như: Các dự án thành phần mở rộng quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, cầu Nhật Tân, cầu Cổ Chiên, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, nhà ga T2 Nội Bài... Đây là những công trình có tính chất quyết định nâng cao năng lực kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam hiện nay.

Ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông đánh giá: Các công trình hạ tầng giao thông hoàn thành và đưa vào khai thác đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, rút ngắn thời gian vận chuyển, tiết kiệm nhiên liệu, giảm chi phí sửa chữa, khấu hao phương tiện. Đơn cử như: Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, ước tính giảm 50% thời gian đi lại và 30% chi phí; quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Vinh giảm khoảng 30% thời gian đi lại và 20% chi phí; quốc lộ 14 qua Đắk Nông giảm khoảng 30% đi lại và 6% chi phí…

Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách đầu tư phát triển hạ tầng giao thông khó khăn và liên tục giảm trong vòng 5 năm trở lại đây, nhưng nhờ huy động nguồn vốn xã hội hóa, việc xây dựng hạ tầng GTVT vẫn cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển. Giai đoạn 2016 - 2020, để có nguồn vốn hoàn thành hơn 2.000 km đường cao tốc, hơn 600 km đường Hồ Chí Minh, nhằm nối thông hai tuyến giao thông huyết mạch của đất nước; nâng cấp các tuyến đường sắt, ưu tiên cho tuyến Bắc - Nam; tập trung đầu tư các cảng hàng không hiện đại, đồng bộ; phát triển hệ thống cảng biển quốc gia… Bộ GTVT sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút các nguồn lực tham gia đầu tư qua việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách thông thoáng, minh bạch, trong đó nguồn vốn xã hội hóa theo hình thức hợp tác được coi là con đường ngắn nhất, giải pháp đột phá phát triển hạ tầng giao thông.
Tiến Hiếu
Sẽ điều chỉnh phí giao thông cho phù hợp
Sẽ điều chỉnh phí giao thông cho phù hợp

Thời gian qua một loạt các trạm thu phí BOT trên toàn quốc đồng loạt tăng phí, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Ngày 12/4, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường đã có cuộc trao đổi với báo chí để làm rõ vấn đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN