Đặc biệt, kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác toàn diện năm 2010, quan hệ Việt Nam-Argentina đã có những bước phát triển ấn tượng, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế-thương mại.
Do đó, chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ diễn ra vào dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Argentina sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác thương mại song phương trong thời gian tới.
Thị trường lớn tiềm năng
Đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 6, là thị trường lớn thứ 5 của Argentina trên thế giới và là đối tác chủ chốt trong hợp tác Nam- Nam của Argentina tại Đông Nam Á, trong khi Argentina là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại Mỹ Latinh. Đặc biệt, trao đổi thương mại song phương của hai nước liên tục tăng, từ 316 triệu USD năm 2007 lên 4,5 tỷ USD năm 2022.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt 4,88 tỷ USD, tăng 8,3% so với năm 2021; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 851 triệu USD, tăng 2,4%; nhập khẩu đạt 4,03 tỷ USD, tăng 9,7%. Riêng 3 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Argentina đạt hơn 856,5 triệu USD, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong số đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 323 triệu USD, tăng 20,2%; nhập khẩu của Việt Nam đạt 533,5 triệu USD, giảm 23,9%.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Argentina gồm: có điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; giày dép các loại; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; nguyên phụ liệu dệt may, da giày...
Ngược lại, các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam từ Argentina là ngô, thức ăn gia súc và nguyên liệu, bông các loại, đậu tương; dầu mỡ động thức vật.
Nhận định từ các chuyên gia, trong 10 năm qua, Argentina ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu lũy kế sang Việt Nam là 600%, trong khi xuất khẩu từ Việt Nam sang Argentina trong cùng kỳ tăng 700%.
Xu hướng này cho thấy, cả hai nước đều có mối quan hệ bền vững trong thương mại. Các sản phẩm mà Argentina xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là hàng nông sản được lồng ghép vào chuỗi giá trị của Việt Nam và sau đó xuất khẩu sang các nước khác. Đặc biệt, các dự báo cho thấy, thương mại sẽ tiếp tục xu hướng thuận lợi và bền vững trong thời gian tới.
Đánh giá về tình hình hợp tác thương mại, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Argentina là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 vượt 4,5 tỷ USD.
Hiện nay, Argentina là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Argentina tại khu vực Đông Nam Á và thứ 6 trên phạm vi toàn cầu.
Tuy nhiên, giá trị kim ngạch thương mại song phương vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng sẵn có. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Công Thương bày tỏ mong muốn hai bên tiếp tục nỗ lực để nâng cao trao đổi thương mại, đa dạng hóa các mặt hàng xuất nhập khẩu và từng bước cân bằng cán cân thương mại song phương.
Theo các chuyên gia thương mại, với dân số hơn 46 triệu người, Argentina là thị trường lớn đầy tiềm năng mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh như giày dép, dệt may, đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ.
Ngược lại, với dân số gần 100 triệu dân và sức mua tăng hàng năm, Việt Nam cũng là thị trường tiềm năng của các doanh nghiệp xuất khẩu Argentina.
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của hai bên có tính bổ trợ khá cao. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có tiềm năng mở rộng thị trường tại Argentina như sản phẩm và linh kiện điện tử, nông sản sấy khô, cà phê hòa tan, sản phẩm mây tre đan…
Argentina là quốc gia có trình độ phát triển xã hội cao, là thành viên của Nhóm G20. Mức chi tiêu của người dân Argentina đứng thứ 2 tại khu vực, chỉ xếp sau Chile. Do đó, nhu cầu mua sắm của người dân Argentina là tương đối lớn, nhất là với sản phẩm tiêu dùng hàng ngày.
Đặc biệt, quốc gia này tuân thủ khá chặt chẽ các tiêu chuẩn chung về thương mại và hàng hóa trên thế giới. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam có kinh nghiệm xuất khẩu sẽ ít gặp các rào cản thương mại riêng biệt tại thị trường Argentina.
Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Argentina trải qua năm phiên họp đã được tổ chức và gần đây nhất là phiên họp giữa kỳ tại Buenos Aires vào tháng 10 năm 2017 đã phát huy hiệu quả vai trò thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, nông nghiệp và khoa học và công nghệ.
Tuy nhiên, quan hệ hợp tác giữa hai nước vẫn còn trở ngại do Việt Nam và Argentina nằm ở hai khu vực địa lý cách xa nhau, chưa có tuyến vận tải hàng hóa và hành khách trực tiếp dẫn đến thời gian vận tải và đi lại dài và chi phí cao, sự khác biệt về ngôn ngữ, tập quán làm ăn kinh doanh.
Đại diện Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ lưu ý, Chính phủ Argentina sẽ triển khai nhiều chương trình hỗ trợ tiêu dùng cho người dân thông qua việc đẩy mạnh khuyến mại và mua hàng trả góp. Điều này mang tới kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Argentina đang ngày càng mở rộng. Điều này sẽ giúp nâng cao sự nhận diện và thói quen mua sắm của người tiêu dùng với sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam.
Mở thêm cơ hội
Tại buổi làm việc với Bộ Công Thương, Thống đốc tỉnh Entre Rios- ngài Gustavo Bordet nhấn mạnh tầm quan trọng của Việt Nam trong quan hệ thương mại của Argentina nói chung và 3 tỉnh Cordoba, Entre Rios và Santa Fe nói riêng.
Thống đốc cho rằng hai bên còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, nông nghiệp, nhất trí đề xuất của phía Việt Nam trong việc tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp hai bên tham gia vào hoạt động xúc tiến thương mại và tìm hiểu thị trường.
Đại diện doanh nghiệp Argentina bày tỏ mong muốn doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu đầu tư vào Argentina nói chung và ba tỉnh miền Trung của Argentina nói riêng. Đồng thời, cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để doanh nghiệp hai bên có thể tìm hiểu những cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư.
Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Argentina, đại diện Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ cho rằng doanh nghiệp nên chủ động tìm hiểu thông tin về thị trường và cập nhật chính sách kinh tế - thương mại - đầu tư của Argentina thông qua cơ quan, đơn vị hỗ trợ của nhà nước.
Cụ thể như Bộ Công Thương, Đại sứ quán Việt Nam tại Argentina, Đại sứ quán Argentina tại Việt Nam và các trung tâm xúc tiến thương mại của các tỉnh, thành phố...
Cùng đó, tích cực tham gia hoạt động khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại - đầu tư, kết nối giao thương trực tiếp hoặc trực tuyến với đối tác Argentina để tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường, nâng cao tính cạnh tranh về giá thành, tìm cách giảm chi phí vận tải và logistic.
Mặt khác, nghiên cứu kỹ về tập quán, văn hóa, đặc trưng, nhu cầu,... của thị trường trước khi định hướng và ra quyết định về việc phát triển xuất khẩu sang thị trường này; có nhân lực am hiểu về thị trường và ngôn ngữ bản địa. Cùng đó, phản ánh kịp thời các vướng mắc phát sinh để các bộ, ngành liên quan phối hợp hỗ trợ giải quyết.
Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan và Thương vụ Việt Nam tại Argentina sẽ là cầu nối để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về cung cấp thông tin thị trường, kết nối với đối tác Argentina và hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thâm nhập thị trường, kinh doanh của doanh nghiệp.
Để thúc đẩy song phương giữa Việt Nam - Argentina, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị hai bên tăng cường phối hợp thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên về thị trường của nhau; hỗ trợ doanh nghiệp tham dự hội chợ chuyên ngành và hoạt động kết nối giao thương của hai nước.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề xuất phía Argentina tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Argentina, nhất là với những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như nông sản, dệt may, đồ gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ...
Hai bên nhất trí xem xét khả năng hợp tác trong các lĩnh vực mới có tiềm năng như các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chế biến thực phẩm, năng lượng, công nghệ sinh học... để làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế-thương mại song phương.