Hợp tác nông nghiệp giữa các địa phương tại Việt Nam và tỉnh Quảng Tây

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, trang mạng Thương báo quốc tế của Bộ Thương mại Trung Quốc có bài viết nhấn mạnh cửa khẩu Hữu Nghị Quan là một trong những cửa khẩu đất liền lớn nhất và thuận tiện nhất giữa Trung Quốc và Việt Nam. Trong khi đó, nông nghiệp hiện là lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa các địa phương của Việt Nam với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Phương tiện xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Quang Duy/TTXVN

Theo bài viết, số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu sang các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) qua cửa khẩu Hữu Nghị Quan đạt 472,69 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 64,7 tỷ USD), tăng 13,4%, chiếm 98,9% tổng kim ngạch ngoại thương của cửa khẩu này.

Trong những năm gần đây, cửa khẩu Hữu Nghị Quan cũng đã trở thành cửa khẩu nhập khẩu trái cây trên đất liền lớn nhất của Trung Quốc. Năm 2024, giá trị trái cây nhập khẩu vào Trung Quốc qua cửa khẩu này đạt 20,06 tỷ NDT (khoảng 2,7 tỷ USD). Sầu riêng, mít, thanh long và các loại trái cây khác từ Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác được vận chuyển đến thị trường Trung Quốc thông qua cửa khẩu này với số lượng lớn.

Bài viết cũng nhất mạnh nông nghiệp là lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa các địa phương của Việt Nam và tỉnh Quảng Tây. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Nông thôn Quảng Tây, trong 11 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản giữa tỉnh Quảng Tây và các địa phương của Việt Nam đạt 18,37 tỷ NDT (khoảng 2,5 tỷ USD), tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Quảng Tây đã trở thành kênh và trung tâm phân phối quan trọng cho thương mại trái cây giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Bên cạnh phát triển thương mại nông sản, tỉnh Quảng Tây cũng đang nỗ lực tìm kiếm hợp tác phát triển nông nghiệp nhiều hơn với các địa phương của Việt Nam, như tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại điện tử nông sản, hợp tác công nghiệp nông nghiệp và trao đổi công nghệ nông nghiệp… Chính quyền tỉnh này khuyến khích doanh nghiệp địa phương đầu tư vào nông nghiệp tại các tỉnh, thành ở Việt Nam; đồng thời thành lập các khu thí điểm mở cửa và hợp tác nông nghiệp tại Bách Sắc, Sùng Tả, Bằng Tường, Phòng Thành Cảng và Đông Hưng, Quảng Tây; khuyến khích doanh nghiệp hai bên hợp tác xây dựng các dự án thí điểm trang trại thông minh tại các vùng biên giới, thúc đẩy phát triển toàn bộ chuỗi công nghiệp nông nghiệp hiện đại. Tính đến cuối năm 2024, tỉnh Quảng Tây có 18 doanh nghiệp nông nghiệp đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam.

Về mặt thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ nông nghiệp, tỉnh Quảng Tây hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và vận hành Trạm thí nghiệm giống cây trồng Việt Nam - Trung Quốc tại Việt Nam. Trạm thí nghiệm đã trở thành nơi trưng bày giống cây trồng mới, công nghệ mới, cũng như giao lưu, đào tạo nhân tài khoa học công nghệ nông nghiệp. Đến nay, trạm thí nghiệm đã trưng bày được 121 giống cây trồng chất lượng cao, phủ kín diện tích hơn 809.370 hecta, góp phần thúc đẩy hiệu quả nâng cao năng suất nông nghiệp.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Tây cũng đã thành lập một trạm xét nghiệm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh động vật lớn (phòng xét nghiệm chẩn đoán) để tiến hành hợp tác kỹ thuật và trao đổi về phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh động vật lớn với các tỉnh biên giới Việt Nam. Thông qua việc tài trợ thiết bị chuyên dụng, trao đổi cán bộ kỹ thuật và trao đổi thông tin, tỉnh Quảng Tây đã tăng cường hợp tác với các tỉnh biên giới Việt Nam trong việc giám sát và kiểm soát dịch bệnh cây trồng và côn trùng gây hại, đồng thời nâng cao trình độ giám sát và kiểm soát dịch bệnh cây trồng và côn trùng gây hại.

Tỉnh Quảng Tây và các địa phương của Việt Nam đang tích cực tìm hiểu hợp tác xây dựng một số dự án thí điểm trang trại thông minh tại khu vực biên giới, thúc đẩy xây dựng cửa khẩu thông minh tại biên giới Việt Nam - Trung Quốc và tăng cường hợp tác thực chất trong lĩnh vực thương mại điện tử nông sản.

Trong tương lai, tỉnh Quảng Tây sẽ tiếp tục phát huy vai trò là kênh giao thương nông sản với các địa phương ở Việt Nam, mở rộng không gian hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Trung Quốc, tạo thêm nhiều cơ hội mở cửa thị trường cho doanh nghiệp nông nghiệp hai nước, góp phần giúp Việt Nam và Trung Quốc xây dựng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.

Công Tuyên (TTXVN)
Kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai đạt gần 135 triệu USD
Kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai đạt gần 135 triệu USD

Theo thông tin từ Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai, trong hơn một tháng đầu năm 2025 xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Lào Cai khá ổn định, kim ngạch xuất nhập khẩu làm thủ tục tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai đạt gần 135 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 50,6 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 84 triệu USD.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN