Hơn 300 sản phẩm OCOP của Hà Nội được đánh giá đạt 3 sao, 4 sao

Phát biểu tại Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP do thành phố Hà Nội tổ chức chiều ngày 16/11, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, trong lần phân hạng đợt 1, Hội đồng đã đánh giá phân loại được 334 sản phẩm OCOP đạt 3 và 4 sao của 84 chủ thể ở 10 đơn vị cấp huyện.

Chú thích ảnh
Người dân thăm quan và mua sắm tại điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Ảnh: Phương Anh/TTXVN

Tính đến nay, Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội đã tiếp nhận 344 hồ sơ của 88 chủ thể có sản phẩm tham dự đánh giá, phân hạng cấp thành phố của 10 quận, huyện, thị xã. Tuy nhiên, qua rà soát, kiểm tra hồ sơ có 334 hồ sơ của 84 chủ thể đủ điều kiện, còn lại 10 hồ sơ của 4 chủ thể chưa đủ điều kiện đánh giá phân hạng đợt 1 năm 2020. Đối với những trường hợp này, Tổ tư vấn đã hướng dẫn các chủ thể về tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để tham gia đánh giá, phân hạng đợt 2 năm 2020.

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết, đến nay, qua 10 lần đánh giá, Tổ tư vấn đã đánh giá được tổng số 334 sản phẩm; trong đó ngành thực phẩm 227 sản phẩm, chiếm 68%; ngành đồ uống 8 sản phẩm, chiếm 5%; ngành thảo dược 3 sản phẩm, chiếm 1%; ngành thủ công mỹ nghệ, trang trí 75 sản phẩm, chiếm 22%; ngành vải, may mặc 11 sản phẩm, chiếm 3%. Dự kiến Hội đồng phân hạng 3 sao: 109 sản phẩm, 4 sao: 217 sản phẩm, 5 sao: 8 sản phẩm.

Các chủ thể tham gia phân hạng đã tạo việc làm cho hơn 1.200 lao động tham gia sản xuất, kinh doanh và hưởng lợi từ sản phẩm OCOP. Trong đó hộ kinh doanh là 33 hộ, chiếm 39%; hợp tác xã có 23 hợp tác xã  chiếm 27%; doanh nghiệp là 28 doanh nghiệp, chiếm 33%. Các sản phẩm đều thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn về sản phẩm hàng hóa theo quy định hiện hành của Nhà nước.  

Bên cạnh những kết quả đạt được trong phân hạng sản phẩm OCOP, Tổ tư vấn cũng gặp không ít khăn trong việc đánh giá, phân hạng các sản phẩm. Vì đây là một nhiệm vụ khá mới mẻ đối với các thành viên Tổ tư vấn. Cụ thể, việc chấm điểm của một số thành viên còn chênh lệch nhau quá 10 điểm, nên Tổ tư vấn phải thảo luận để thống nhất chấm lại. Hơn nữa năm nay do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên các thành viên Tổ tư vấn gặp khó khăn về bố trí thời gian tham gia đánh giá, phân hạng các sản phẩm.

Để khắc phục những nhược điểm này, ông Nguyễn Văn Chí, Tổ trưởng Tổ tư vấn cho rằng, thời gian tới Bộ Tiêu chí đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cần được xây dựng và bổ sung chặt chẽ, phù hợp và dễ dàng áp dụng vào công tác đánh giá. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng phần mềm đánh giá xếp hạng sản phẩm góp phần rút ngắn thời gian, khắc phục hiện tượng cộng sai số học; việc kết hợp đánh giá giữa Hội đồng cấp huyện và Tổ tư vấn Thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể, tiết kiệm được thời gian...

Ông Nguyễn Văn Chí cho biết, sau khi có kết quả phân tích nhóm sản phẩm có liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, những sản phẩm không đảm bảo an toàn thì Hội đồng sẽ không đánh giá, phân hạng vòng 2 và yêu cầu chủ thể tiếp tục về hoàn thiện, nâng cấp chất lượng sản phẩm để dự thi vào các đợt tiếp theo. Những sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đề nghị Hội đồng bảo lưu kết quả vòng 1 sang vòng 2.

Nam Giang (TTXVN)
Nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP
Nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP

Với tiềm năng về nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh Sơn La đã nỗ lực triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của vùng miền núi. Qua đó, tăng thu nhập cho người dân và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN