Đây là dự án có quy mô lớn của khu vực Tây Nam bộ, giúp tăng giá trị và phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa theo hướng hàng hóa, giúp bà con nông dân tăng thu nhập giảm nghèo bền vững.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, tỉnh có điều kiện thuận lợi về nguồn phụ phẩm dồi dào trong nông nghiệp, diện tích trồng cỏ làm thức ăn cho bò đạt hơn 2.800 ha, toàn tỉnh có khoảng 13.500 lao động tham gia nuôi bò; đây là những điều kiện thích hợp cho việc phát triển đàn bò thịt, bò sữa theo hướng chất lượng, hàng hóa.
Ông Trương Văn Đúng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết: Mục tiêu của dự án đến năm 2030, đàn bò thịt đạt 77.000 con và bò sữa đạt 11.000 con. Để đạt được mục tiêu trên, ngành chức năng đã thực hiện nâng cao năng suất, chất lượng giống bò thịt, bò sữa bằng phương pháp gieo tinh nhân tạo từ nguồn bò nhập ngoại; đồng thời, đẩy mạnh liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bò, nhân rộng các mô hình chăn nuôi bò hiệu quả, an toàn sinh học, đảm bảo an toàn dịch bệnh…
Từ năm 2021 đến nay, đàn bò thịt của tỉnh đạt 48.885 con, đạt trên 63% mục tiêu dự án, quy mô đàn bò nuôi tại hộ từ 4-5 con bò/hộ; đàn bò sữa được 6.780 con, đạt 61% so với mục tiêu, sản lượng sữa tươi đạt 13.537 tấn/năm.
Để triển khai hiệu quả dự án, ngành nông nghiệp tỉnh đã luôn bám sát các mục tiêu dự án đã đề ra cũng như hỗ trợ cho hộ chăn nuôi theo từng giai đoạn phù hợp, kết hợp tuyên truyền đến người dân về mục đích, ý nghĩa của dự án.
Ông Trần Văn Đóm, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cho biết, từ năm 2021 đến nay, Ban Quản lý Dự án đã phát 2.000 tài liệu tuyên truyền thông tin về chính sách hỗ trợ của dự án phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh, trên 2.100 bộ tài liệu hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò thịt, bò sữa. Cùng đó, hỗ trợ người chăn nuôi 5.504 liều tinh bò gieo cho 2.752 con bò thịt, với các giống Red Brahman, Red Sindhi, hỗ trợ 620 con bò cái hậu bị cho 237 hộ chăn nuôi, xây dựng 50 mô hình dự trữ, chế biến sử dụng nguồn phụ phế phẩm làm thức ăn chăn nuôi,...
Tại huyện Mỹ Xuyên, dự án phát triển chăn nuôi bò đang được triển khai thực hiện có hiệu quả, đến nay, tổng đàn bò thịt của huyện đạt trên 14.000 con, tổng đàn bò sữa 1.800 con; trong đó, tỷ lệ bò cao sản trên 40%, hiện đàn bò thịt và bò sữa ở địa phương đang có xu hướng tăng dần.
Nhờ được sự hỗ trợ của dự án nên gia đình anh Lâm Văn Hữu ( xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên) từ quy mô nuôi nhỏ lẻ đến nay đàn bò sữa tăng gần 20 con. Theo anh Lâm Văn Hữu, dự án Phát triển chăn nuôi bò đã hỗ trợ kinh phí xây dựng chuồng nuôi, mua con giống bò sữa, máy vắt sữa và hướng dẫn kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi đàn bò sữa…
Anh Lâm Văn Hữu (xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên) phấn khởi chia sẻ, trước đây bản thân anh chưa biết kỹ thuật nuôi bò sữa nên sản lượng sữa bò không đạt năng suất nhưng từ khi dự án đã hỗ trợ nên việc chăn chăn nuôi khá thuận lợi, sản lượng sữa đảm bảo, từ đó giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập ổn định hơn trước.
Còn đối với gia đình anh Thạch Minh Dương (xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên) là hộ dân tộc Khmer kinh tế gia đình chủ yếu nghề nuôi bò sữa, được dự án hỗ trợ máy vắt sữa bò gia đình rất phấn khởi. Anh Thạch Minh Dương phấn khỏi nói: “Có máy vắt sữa bò giúp gia đình tiết kiệm được thời gian sức lao động, đảm bảo chất lượng nguồn sữa. Hiện đàn bò sữa của gia đình gần phát triển được 10 con, thu nhập bình quân 150 triệu đồng/năm”.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, dự án đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nhờ thực hiện dự án mà nhiều hộ dân, nhất là đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh đã vươn lên khá giàu, giảm nghèo bền vững. Tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo ngành chức năng tiếp tục nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng đàn bò thịt, bò sữa, khuyến khích hộ chăn nuôi phát triển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang trang trại; phát triển nguồn thức ăn thô xanh, phấn đấu đạt diện tích trồng cỏ làm thức ăn cho bò đạt 3.000 ha.
Song song đó, đẩy mạnh liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm, hướng dẫn bà con nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phấn đấu 90% hộ chăn nuôi bò thịt có hệ thống xử lý chất thải giảm thiểu ô nhiễm môi trường.