Nếu được đầu tư phát triển đồng bộ sẽ đóng góp đáng kể vào việc tự chủ nguồn cung sữa cho thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Đây là nhận định của các chuyên gia tại Tọa đàm “Xây dựng Mang Yang - Gia Lai thành thiên đường bò sữa” do Báo Thanh Niên tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 16/4.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam thông tin: Tính đến nay, cả nước có hơn 1.700 trại bò sữa, với quy mô trung bình 37,4 con/trại và nhiều trang trại nuôi quy mô lớn từ 2.000 con đến vài chục nghìn con. Ngoài ra còn có gần 28.700 hộ chăn nuôi bò sữa… Theo số liệu chưa đầy đủ tổng đàn bò sữa cả nước hiện nay ước gần 400.000 con. Nhu cầu sử dụng sữa bình quân đầu người của Việt Nam hiện vẫn thấp, chỉ đạt 26 – 28 lít/người/năm, trong khi Thái Lan là 35 lít/người/năm, Singapore là 45 lít/người/năm và các nước châu Âu từ 80 – 100 lít/người/năm. Tuy vậy, hiện sản xuất sữa nguyên liệu tại Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Trung, cùng với sự gia tăng của dân số cũng như mối quan tâm về sức khỏe và dinh dưỡng của người tiêu dùng, nhu cầu sữa ngày càng gia tăng. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi bò sữa.
Nhận thức được tầm quan trọng của vùng nguyên liệu sữa tươi, nhiều doanh nghiệp ngành sữa đã chủ động xây dựng và hoàn thiện trang trại nuôi bò sữa; duy trì và phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ có liên kết sản xuất với hộ chăn nuôi bò để đảm bảo an ninh sữa nguyên liệu, tạo việc làm, giảm phụ thuộc nhập khẩu sữa, sản phẩm sữa.
Việc hình thành và phát triển vùng chăn nuôi bò sữa chuyên nghiệp và bền vững theo quy mô trang trại gia đình sẽ góp phần bảo đảm an ninh lương thực, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân và bảo đảm nguồn cung ứng sữa tươi chất lượng tốt và giảm thiểu việc nhập khẩu sữa.
Để xây dựng được thương hiệu sữa Việt với chất lượng cao, an toàn, bên cạnh việc đầu tư các nhà máy công nghệ hiện đại, các doanh nghiệp cần quan tâm chủ động nguồn nguyên liệu chất lượng cao với việc xây dựng các trang trại theo mô hình nông nghiệp bền vững, ứng dụng kinh tế tuần hoàn, thực hành nông nghiệp tái tạo, sử dụng năng lượng xanh - sạch.
Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam thông tin: Năm 2023, tổng đàn bò sữa Việt Nam là 370.000 con, sản lượng sữa đạt 1,17 triệu tấn. Mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2025, tổng đàn bò sữa cả nước đạt từ 650.000 - 700.000 con; trong đó khoảng 60% số bò sữa được nuôi tại các trang trại; sản lượng sữa đạt từ 1,7 - 1,8 triệu tấn. Đến năm 2030, sản lượng sữa từ đàn bò trong nước sẽ đạt 2,6 triệu tấn. Những con số trên cho thấy dư địa cho phát triển chăn nuôi bò sữa còn rất lớn, đặc biệt là các địa phương có điều kiện khí hậu mát mẻ, quỹ đất nông nghiệp lớn và nguồn nước sạch như Gia Lai. Tuy nhiên, để có nguồn sữa chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giống bò sữa là yếu tố quyết định đầu tiên. Điều này đòi hỏi các đơn vị phải có sự đầu tư nghiên cứu tạo đột phá trong phát triển giống bò cho năng suất sữa cao, có khả năng chống chịu tốt.
Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết: Gia Lai là tỉnh có diện tích lớn thứ hai cả nước, có khí hậu mát mẻ, đảm bảo điều kiện sản xuất nông nghiệp quanh năm. Ngành chăn nuôi của tỉnh còn nhiều không gian và dư địa phát triển có thể mang lại giá trị lớn. Đặc biệt, huyện Mang Yang là nơi hội tụ điều kiện lý tưởng để phát triển đàn bò sữa chất lượng cao. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi của địa phương chưa đạt được hiệu quả cao như kỳ vọng do năng suất lao động thấp, giá trị sản xuất trên một diện tích chưa cao, thiếu các nhà máy chế biến và doanh nghiệp có quy mô lớn.
Theo ông Lưu Trung Nghĩa, một yếu tố quan trọng để biến các lợi thế thành hiện thực chính là các nhà đầu tư, những người mang vốn, công nghệ, kinh nghiệm cũng như kết nối với thị trường trong nước và thế giới. Hiểu được điều đó, Gia Lai đã có nhiều nghị quyết kêu gọi phát triển nông nghiệp sinh thái, các dự án chăn nuôi gắn với an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Ông Lê Trọng, Chủ tịch UBND huyện Mang Yang cho biết: Mang Yang có diện tích lớn, khí hậu ôn hòa mát mẻ quanh năm. Tuy nhiên, dân số ít với khoảng 80.000 người, mật độ thấp. Địa phương này có nhiều điều kiện phát triển lâm nông nghiệp, từ quy hoạch đến thuận lợi khi nằm trên các tuyến giao thông trọng yếu của tỉnh và các địa phương lân cận. Tương tự, tuyến đường cao tốc sắp được thực hiện từ Gia Lai xuống cảng Quy Nhơn cũng đi ngang qua các vùng chăn nuôi của Mang Yang, thuận lợi cho các nhà đầu tư trên địa bàn. Dù Mang Yang rất có tiềm năng phát triển về nông nghiệp, đặc biệt chăn nuôi cũng như bò sữa nhưng chưa được khai thác hết.
Mang Yang đặt mục tiêu trở thành “thiên đường bò sữa” và đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp đầu tư. Tuy nhiên, để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả lâu dài, địa phương cũng đặt yêu cầu khắt khe cho nhà đầu tư; ngoài chất lượng, năng suất cao hơn thì giá sản phẩm cũng phải cạnh tranh để lan tỏa ra cộng đồng, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: Gia Lai là mảnh đất giàu tiềm năng cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến và du lịch. Những nhà đầu tư đi đầu sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận đất đai, xây dựng chuỗi cung ứng và phát triển thị phần để cạnh tranh trong chuỗi cung ứng nội địa lẫn xuất khẩu. Do đó, Gia Lai kêu gọi doanh nghiệp đến, tìm hiểu và đầu tư vào các dự án, biến các tiềm năng thành hiệu quả kinh tế - xã hội.
“Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đến Gia Lai đầu tư, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, cam kết rút ngắn thời gian xây dựng, triển khai các dự án, đồng hành tháo gỡ vướng mắc thường xuyên cho nhà đầu tư. Gia Lai cũng đang từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông, kết nối khu vực Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền Trung; cải tạo hệ thống thuỷ lợi thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo nguồn nước phục vụ hoạt động sản xuất, chế biến lâu dài”, ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ thêm.