Biến đổi khí hậu:

Hơn 2.000 tỷ đồng xây dựng công trình thủy lợi chống hạn

Từ năm 2016 - 2021, tỉnh Long An sẽ đầu tư trên 2.000 tỷ đồng để xây dựng hệ thống thủy lợi chống hạn và mặn xâm nhập ở vùng Đồng Tháp Mười; các huyện có nguy cơ nước mặn xâm nhập sâu ở các huyện phía Nam như Cần Đước, Cần Giuộc và Bến Lức.

Tình hình xâm nhập mặn năm nay tại tỉnh Long An diễn ra rất nghiêm trọng, diễn biến sớm hơn và cường độ mạnh hơn mọi năm. Ảnh: Thanh Bình - TTXVN


Các công trình trên phục vụ ngăn mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, nâng cấp đê bao ở các sông Vàm Cỏ. Đồng thời, tạo thế luân chuyển nước ngọt từ vùng Đồng Tháp Mười xuống các huyện phía Nam; trong đó, tiểu biểu là các công trình như hệ thống công trình trữ nước chống hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Thủ Thừa, Bến Lức và thành phố Tân An.

Tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống cống ngăn mặn dọc sông Vàm Cỏ Tây, cải tạo nâng cấp hệ thống kênh trục tiêu thoát lũ và cung cấp nước tưới cho các huyện Thạnh Hóa và Đức Huệ; xây dựng các công trình thủy lợi ngọt hóa vùng Bo Bo ở huyện Thủ Thừa và huyện Đức Huệ.

Đồng thời, tỉnh đầu tư nạo vét nâng cấp hệ thống thủy lợi Nhật Tảo huyện Tân Trụ, hệ thống thủy lợi thuộc huyện Cần Đước; xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ các vùng chuyên canh trồng cây khoai mỡ ở huyện Tân Thạnh và Thạnh Hóa, trồng cây Thanh Long xuất khẩu ở huyện Châu Thành, trồng cây chanh ở huyện Đức Huệ; xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh cũng đầu tư nhiều hồ chứa nước ngọt với dung tích hàng chục triệu m3 nước ở vùng Đồng Tháp Mười để thoát lũ và cung cấp nước tưới vào mùa khô...

Tỉnh Long An đang tiến hành cơ cấu cây trồng phù hợp; đa dạng hóa, phát triển các cây trồng có khả năng thích ứng với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn, mang lại hiệu quả kinh tế cao; nghiên cứu chọn tạo các giống cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lương thực và thực phẩm có khả năng chịu hạn, mặn tốt, cho hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đồng thời, quy hoạch, bố trí lại vùng trồng lúa chất lượng cao, cây công nghiệp hoặc chuyển đổi cây trồng.

Cùng với đó, tỉnh sẽ hoàn chỉnh hệ thống đê bao ngăn mặn dọc theo sông lớn, xây dựng các cống ngăn mặn tại các điểm trọng yếu của vùng chuyên canh. Ngành nông nghiệp tỉnh Long An phối hợp với các Viện Khoa học nông nghiệp, Trung tâm sản xuất giống cây trồng vật nuôi để nghiên cứu chọn tạo các giống cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lương thực có khả năng chịu hạn, mặn tốt. Cải tạo hạ tầng kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tập quán sản xuất và sinh hoạt của cư dân ven biển để thích nghi với mực nước biển dâng...
Trần Hữu Hiếu (TTXVN)
 “Luật hóa” lĩnh vực thủy lợi, tạo hấp dẫn để xã hội hóa
“Luật hóa” lĩnh vực thủy lợi, tạo hấp dẫn để xã hội hóa

Dự thảo Luật Thủy lợi được trình tại Kỳ họp lần thứ 2, Quốc hội khóa XIV được kỳ vọng sẽ bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế-xã hội, đặc biệt là phát triển nông nghiệp, nông thôn, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của mọi người dân; trong đó có nông dân. Phóng viên TTXVN đã ghi nhận ý kiến của các đại biểu xung quanh nội dung này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN