Việt Nam chấp nhận acid benzoic, Nhật Bản thì không
Về sự việc sản phẩm tương ớt thương hiệu Chinsu của Việt Nam bị thu hồi tại Nhật, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết chưa nhận được thông tin chính thức từ cơ quan chức năng Nhật Bản cũng như những cảnh báo từ Ban Thư ký Mạng lưới cơ quan an toàn thực phẩm quốc tế (INFOSAN). Cục đang chủ động kiểm tra, xác minh về sự việc này.
Theo thông tin từ phía Nhật Bản, lô hàng tương ớt Chinsu bị thu hồi do có chứa thành phần acid benzoic. Tuy nhiên, acid benzoic là chất được phép sử dụng theo hàm lượng quy định, có trong danh mục phụ gia bảo quản của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) mà Nhật Bản và Việt Nam đều là thành viên cùng áp dụng các tiêu chuẩn chung này.
"Tiêu chuẩn chung cho phép sử dụng acid benzoic, nhưng tùy theo các thành viên của Codex, có nước cho phép nhưng một số nước lại tuyệt đối cấm sử dụng", đại diện Cục An toàn thực phẩm cho hay.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ và thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội), acid benzoic được quy định về hàm lượng khi đưa vào sản phẩm. Cụ thể với sản phẩm tương ớt tại Việt Nam, chất này được sử dụng với hàm lượng tối đa 1g/kg sản phẩm.
Trong sản phẩm tương ớt Chinsu bị thu hồi ở Nhật, hàm lượng acid benzoic lần lượt là 0,41g/kg với các chai có hạn dùng 10/6/2019 và 0,44g/kg với các chai hạn dùng 17/6/2019, tiếp theo là 0,45g/kg với các chai có hạn dùng 6/7/2019. Như vậy đều thấp hơn tiêu chuẩn Việt Nam, nằm trong mức cho phép của tiêu chuẩn chung Codex.
PGS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, do Nhật Bản cấm sử dụng acid benzoic nên sản phẩm này bị thu hồi, còn ở Việt Nam vẫn được phép sử dụng, đó là do quy định của mỗi nước. Giống như việc Nhật Bản cho phép sử dụng chất Nisin trong tương ớt và phù hợp với tiêu chuẩn chung Codex nhưng ở Việt Nam chất này lại bị cấm. Sản phẩm tương ớt của Nhật Bản có chứa Nisin đều không được phép nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo Cục An toàn thực phẩm, nếu sử dụng hàm lượng cao hơn ngưỡng cho phép, acid benzoic có thể gây kích ứng dạ dày, viêm dạ dày... cho người sử dụng. Trường hợp sử dụng chất này với hàm lượng lớn có thể gây ngộ độc nhưng rất hiếm gặp.
Bài học khi xuất hàng sang Nhật
Liên quan đến việc Nhật thu hồi hơn 18.000 chai tương ớt Chinsu vì chứa chất cấm, đại diện Công ty Masan (chủ thương hiệu Chinsu) cho biết chưa từng xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp tương ớt Chinsu cho Công ty Javis Co., Ltd hoặc Công ty ISC Industrial Co., Ltd của Nhật.
"Nếu Công ty Javis Co., Ltd liên hệ với chúng tôi để nhập khẩu chính thức thì sự cố ghi nhãn này đã không xảy ra" - thông cáo báo chí của Masan nêu.
Tuy nhiên, từ sự việc này, các doanh nghiệp trong nước chuyên xuất hàng sang Nhật Bản dù trực tiếp hay gián tiếp cũng có thể rút ra những bài học kinh nghiệm cho mình.
Từ trước đến nay, đã có nhiều loại hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản bị thu hồi hoặc trả về do vi phạm quy định của nước sở tại.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp có hàng xuất khẩu vào một thị trường nào đó cần phải nắm được pháp luật quốc tế, phải tìm hiểu các tiêu chuẩn chất lượng của quốc gia đó, của từng địa phương để có sự điều chỉnh cho phù hợp.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết: Trong một thời gian dài, chúng ta đã làm ẩu, không theo luật lệ nào. Trong bối cảnh thương mại tự do bùng nổ, thuế xuất nhập khẩu giảm về 0%, các quốc gia sẽ áp dụng luật chống bán phá giá hay dựng lên hàng rào kỹ thuật rất cao để bảo hộ hàng hóa trong nước. Khi hàng hóa chúng ta vượt qua hàng rào kỹ thuật đó thì mới vào được thị trường nước bạn.
"Nếu hàng hóa kém chất lượng hay chứa chất cấm, họ kiểm tra phát hiện, hàng của chúng ta sẽ ngay lập tức bị trả về. Nhiều nước khó tính sẽ yêu cầu tiêu hủy, thậm chí phạt tiền”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.
Từ câu chuyện tương ớt Chinsu bị thu hồi cũng cho thấy sự khác biệt trong hệ thống tiêu chuẩn chất lượng của các nước. Mỗi nước có tiêu chuẩn khác nhau, doanh nghiệp xuất khẩu cần tìm hiểu kỹ.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch khuyến cáo doanh nghiệp muốn bán hàng vào Nhật nên đến dự sự kiện "Foodex Japan" được tổ chức hàng năm. Đây là nơi doanh nghiệp sẽ học được rất nhiều về xu hướng tiêu dùng ở Nhật Bản và nhận được sự hỗ trợ của doanh nghiệp Nhật.