Theo Cục Xuất nhập khẩu, cũng trong thời gian này, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 29 thị trường trên thế giới; trong đó, Hoa Kỳ là thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam.
Thống kê cho thấy, nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ Hoa Kỳ đạt 7,95 nghìn tấn, trị giá 16,86 triệu USD, giảm 50,9% về lượng và giảm 29,4% về trị giá so với tháng 12/2022. Thế nhưng, so với tháng 1/2022 tăng 52,1% về lượng và tăng 103,6% về trị giá, chiếm 22,45% tổng lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 1/2023.
Về giá nhập khẩu, tháng 1/2023, giá nhập khẩu bình quân thịt và các sản phẩm từ thịt về Việt Nam đạt mức 2.092 USD/tấn, tăng 0,5% so với tháng 12/2022 nhưng giảm 1,6% so với tháng 1/2022.
Ngoài ra, trong tháng 1/2023, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05 tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; phụ phẩm ăn được sau giết mổ của heo, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt trâu tươi đông lạnh; thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh…Trong số này, nhập khẩu thịt gia cầm, thịt lợn, thịt bò có xu hướng giảm; trong khi nhập khẩu thịt trâu tăng so tháng 1/2022.
Riêng mặt hàng thịt lợn, trong tháng 1/2023, Việt Nam nhập khẩu 4,91 nghìn tấn thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 11,57 triệu USD, giảm 65,2% về lượng và giảm 66,5% về trị giá so với tháng 12/2022. Tuy nhiên, nếu so sánh với tháng 1/2022 giảm 54,1% về lượng và giảm 50,9% về trị giá; giá nhập khẩu trung bình đạt 2.354 USD/tấn, giảm 3,5% so với tháng 12/2022, nhưng tăng 6,9% so với tháng 1/2022.
Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, trong tháng 1/2023, Việt Nam nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh từ 15 thị trường. Đáng lưu ý, chủ yếu được nhập khẩu từ Nga chiếm 34,82%; Brazil chiếm 23,49% và Đức chiếm 21,52% tổng lượng thịt lợn nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 1/2023 và lượng thịt lợn nhập khẩu từ các thị trường này đều giảm so với cùng kỳ năm 2022.