Nhôm, thép Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa
Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh áp thuế 25% đối với tất cả thép và nhôm nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Thuế nhập khẩu nhôm sẽ tăng từ mức 10% áp dụng từ năm 2018 lên 25%. Chính sách này đã tác động mạnh lên các nước xuất khẩu thép và nhôm vào Hoa Kỳ, trong đó có Việt Nam.
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, theo thống kê của hải quan Hoa Kỳ, năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 983 triệu USD thép và sản phẩm thép (tăng gần 159% so với năm 2023) vào thị trường này. Các sản phẩm thép Việt Nam xuất khẩu lớn sang Hoa Kỳ bao gồm: Thép mạ kẽm (mã HS 7210.49); thép mạ nhôm kẽm (mã HS 7210.61); thép phủ nhựa (mã HS 7210.70); thép không rỉ (mã HS 7219.34); thép hợp kim (mã HS 7209.16)...
Đối với mặt hàng nhôm, thống kê của hải quan nước này cũng cho biết, năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 479 triệu USD nhôm và sản phẩm nhôm sang thị trường Hoa Kỳ, tăng trưởng 9,5% so với năm 2023. Một số sản phẩm nhôm Việt Nam xuất khẩu lớn sang thị trường này bao gồm: Tủ bếp, bàn nhôm, thiết bị nội thất nhôm (mã HS 7615.10); nhôm hợp kim (mã HS 7604.21); nhôm thanh, nhôm dây (mã HS 7604.29)...
Kiểm tra chất lượng thép thành phẩm tại Công ty Cổ phần Thép Hoà Phát Dung Quất. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Cũng theo thông tin từ cơ quan Thương vụ, hiện nay, mặt hàng nhôm và thép của Việt Nam vẫn đang phải chịu mức thuế lần lượt là 10% và 25% theo mục 232 mà Hoa Kỳ áp dụng từ năm 2018 với hầu hết các nước.
Bên cạnh đó, sản phẩm nhôm thép, đặc biệt là sản phẩm thép của Việt Nam là đối tượng thường xuyên trong các vụ kiện phòng vệ thương mại. Tính đến nay, Hoa Kỳ đã điều tra hơn 34 vụ, chiếm hơn 50% tổng số vụ kiện mà Hoa Kỳ điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam còn với sản phẩm nhôm là 2 vụ việc. Đối với sản phẩm nhôm, Hoa Kỳ đã điều tra 2 vụ việc.
Ông Đỗ Ngọc Hưng cho rằng, việc áp thuế mới này vô hình chung tạo sân chơi bình đẳng cho các quốc gia xuất khẩu sang Hoa Kỳ, trong đó có Việt Nam, nhất là các quốc gia chịu thiệt thòi hơn từ nhiệm kỳ năm 2018 của Tổng thống Donald Trump. Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sẽ có cơ hội được cạnh tranh sòng phẳng và bình đẳng trên sân chơi của thị trường Hoa Kỳ. Hàng xuất khẩu của Việt Nam được cạnh tranh sòng phẳng và bình đẳng với các quốc gia xuất khẩu lớn trên thế giới.
Cũng theo ông Hưng, Việt Nam sẽ được tiếp cận ngày càng sâu rộng vào chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ, nhất là khi các sản phẩm của Việt Nam đã đảm bảo được vấn đề về nguồn gốc, xuất xứ, với chất lượng và giá cả ngày càng cạnh tranh.
Thuận lợi nữa là qua việc áp thuế lần này, các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chuẩn bị và có sự chống chịu rất tốt. Tuy nhiên, việc áp thuế này dù dưới bất cứ góc độ nào cũng sẽ ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu. Trong đó có nhu cầu nhập khẩu của thị trường Hoa Kỳ, do vậy các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần có sự chuẩn bị sẵn sàng.
Doanh nghiệp cần làm gì?
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, Hiện, Hoa Kỳ là thị trường lớn thứ 3 trong tổng lượng xuất khẩu thép của Việt Nam, sau EU (23%) và ASEAN (26%). Các thị trường khác như Ấn Độ chiếm 6%, Đài Loan 4%, Brazil 3%, Thổ Nhĩ Kỳ 3%...
Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp cần chấp nhận chính sách bảo hộ thương mại đã áp dụng trên toàn cầu, 13 triệu tấn thép xuất khẩu của Việt Nam đều “đụng” các chính sách này.
“Trong nguy có cơ, luôn có cơ hội xuất khẩu tiếp. Các doanh nghiệp cần tăng cường khả năng cạnh tranh, giảm giá thành, bảo đảm xuất xứ rõ ràng, nắm bắt pháp luật của nước sở tại để tránh bị các biện pháp phòng vệ thương mại”, ông Đa khuyến nghị.
Đưa ra lời khuyên đối với doanh nghiệp xuất khẩu nhôm, thép của Việt Nam, ông Đỗ Ngọc Hưng cho rằng, doanh nghiệp trong nước cần đánh giá tình hình để có chiến lược kinh doanh phù hợp, mở rộng xuất khẩu sang các thị trường có FTA với Việt Nam, tránh phụ thuộc vào một thị trường.
Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đặc biệt khuyến cáo, doanh nghiệp xuất khẩu cần tuân thủ các quy định của Hoa Kỳ về nguồn gốc xuất xứ và luôn sẵn sàng tham gia đầy đủ quá trình giải trình của cơ quan điều tra Hoa Kỳ các vụ việc Phòng vệ thương mại. Cùng đó, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) và cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài theo dõi sát tình hình để có phản ứng phù hợp.
Theo đánh giá của nhiều nước nhập khẩu, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ có giá cạnh tranh, chất lượng tốt, góp phần giúp giảm lạm phát, bổ trợ rất lớn cho hoạt động thương mại hai bên.
Khuyến cáo đối với doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ, TS.Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá, doanh nghiệp cần vạch ra những kịch bản sẵn sàng ứng phó với việc có thể bị áp thuế từ phía Hoa Kỳ. Trong trường hợp bị áp thuế ở mức thấp, cần tiếp tục bám trụ thị trường và thực hiện các giải pháp đầu tư công nghệ, tối ưu hoá chi phí sản xuất nhằm giảm giá thành, nâng cao lợi nhuận.
Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần tiếp tục đa dạng hoá thị trường, thực hiện chiến lược “không bỏ trứng vào một giỏ” để tránh những rủi ro có thể có từ phía thị trường nhập khẩu. Đồng thời, bám sát các thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ và các cơ quan đại diện Việt Nam ở Hoa Kỳ để nắm bắt thông tin, có các đối sách ứng phó kịp thời với sự thay đổi từ phía bạn (nếu có).
Đặc biệt, theo TS Lê Quốc Phương, việc Hoa Kỳ áp thuế cao với các quốc gia lân cận có thể xảy ra tình trạng doanh nghiệp tại các quốc gia đó xuất khẩu hàng hoá sang Việt Nam, gian lận xuất xứ rồi xuất khẩu ngược sang Hoa Kỳ. Trước đây, đã có chuyện này xảy ra và khi bị phát hiện đã ảnh hưởng đến cả ngành xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn nhận sâu sắc vấn đề lợi ích về lâu dài, tránh tuyệt đối tình trạng cho các đối tác gian lận xuất xứ, "ăn xổi" để ảnh hưởng đến xuất khẩu của cả ngành, quốc gia.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cần liên kết với nhau để tăng sức mạnh hợp lực, tăng sức chống chịu, ổn định chuỗi cung ứng, để tìm kiếm đối tác, chia sẻ rủi ro. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và Chính phủ trong việc cảnh báo, chia sẻ thông tin và đề xuất các chính sách phù hợp.
Hàng hóa Việt Nam và Mỹ có sự bổ sung cho nhau
Đối với thị trường Hoa Kỳ, Bộ Công Thương đánh giá, về quan hệ kinh tế, thương mại, hai nền kinh tế mang tính chất bổ trợ, cơ cấu xuất khẩu và ngoại thương của hai nước không cạnh tranh trực tiếp, có sự bổ sung cho nhau, phù hợp với nhu cầu nội tại của mỗi nước. Hàng hóa Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ chủ yếu là cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Hoa Kỳ trên thị trường Hoa Kỳ. Ngược lại, còn tạo điều kiện để người tiêu dùng của Hoa Kỳ được sử dụng hàng hóa rẻ của Việt Nam.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương đánh giá trụ cột kinh tế, thương mại sẽ tiếp tục phát triển ổn định trong tổng thể quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Hoa Kỳ. Các vấn đề tồn tại trong kinh tế thương mại song phương nếu có sẽ được chủ động trao đổi thông qua cơ chế đối thoại chính sách của Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ (TIFA), là cơ chế đang được duy trì thường xuyên, liên tục và hiệu lực, hiệu quả, ở tất cả các cấp, nhằm củng cố lòng tin chiến lược giữa hai quốc gia, kiến tạo tầm nhìn chung, góp phần định hướng dài hạn và ổn định lộ trình phát triển quan hệ kinh tế, thương mại song phương.
Theo Bộ Công Thương, để tiếp tục phát triển trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động và khó khăn, ngoài nỗ lực từ Chính phủ, các bộ, ban, ngành, còn phải dựa vào sự nhạy bén, chủ động bám sát thị trường và khả năng thích ứng, tìm tòi và phát triển năng lực cạnh tranh của bản thân các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần tiếp tục chủ động xây dựng lộ trình và giải pháp nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động, môi trường....