Hiện tỷ lệ này đạt khoảng 89,1% với tổng số vốn đã giải ngân là 661,6 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách nhà nước 249,6 tỷ đồng, vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội 192 tỷ đồng và các nguồn vốn khác ước khoảng 220 tỷ đồng.
Theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg, phạm vi áp dụng trên địa bàn 14 tỉnh, thành phố gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Tuy nhiên, riêng Bình Thuận không tham gia chương trình do không có đối tượng.
Tính đến thời điểm này đã có 6/13 địa phương đã hoàn thành việc hỗ trợ theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg gồm: Hà Tĩnh, Nghệ An, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận và thành phố Đà Nẵng. Còn lại 7 tỉnh gồm Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định đều có tỷ lệ hoàn thành đạt trên 70%.
Mức hỗ trợ được áp dụng là 14 triệu đồng/hộ đối với những hộ đang cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn; 16 triệu đồng/hộ đối với những hộ đang cư trú tại các thôn đặc biệt khó khăn; 12 triệu đồng/hộ đối với những hộ đối tượng còn lại.
Cùng đó, các hộ trong chương trình được vay ưu đãi tối đa 15 triệu đồng/hộ với lãi suất vay là 3%/năm trong thời hạn 10 năm; trong đó, thời gian ân hạn 5 năm. Thời gian trả nợ tối đa là 5 năm bắt đầu từ năm thứ 6 với mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 20% tổng số vốn đã vay.
Thời gian qua, các chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung luôn được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của người dân. Ngoài việc đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản, đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân, chương trình này còn có ý nghĩa lớn về an sinh xã hội, phát triển kinh tế tại các địa bàn, khu vực khó khăn theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Bộ Xây dựng dẫn chứng, theo số liệu thống kê thiệt hại về nhà ở do bão, lũ gây ra tại các tỉnh miền Trung trong giai đoạn trước khi có các chương trình hỗ trợ được ban hành theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg, Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015… thì năm 2009 có hơn 263.000 ngôi nhà bị ngập, hư hại, tốc mái, có 179 người chết; năm 2010, con số này là 182.000 ngôi nhà và 68 người chết; năm 2011 là 126.000 ngôi nhà và 57 người chết.
Đánh giá về hiệu quả của chương trình, theo Bộ Xây dựng, kể từ khi các chương trình hỗ trợ nhà ở được ban hành, đã có hơn 170.000 hộ gia đình tại khu vực miền Trung được hỗ trợ xây dựng nhà ở. Trong số này bao gồm 122.450 ngôi nhà được xây dựng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg và 28.000 ngôi nhà theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg cùng khoảng 20.000 ngôi nhà phòng, tránh bão, lụt theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg.
Các chương trình hỗ trợ nhà ở đã giúp cho hàng trăm nghìn người dân có nơi tránh trú khi mùa mưa bão đến, bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản, giảm thiểu được thiệt hại do thiên tai gây ra.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, kể từ năm 2016, số nhà ở bị thiệt hại nặng từ 30% trở lên giảm mạnh. Cụ thể, năm 2016 khoảng 2.000 căn; cơn bão số 10 năm 2017 là cơn bão mạnh nhất trong giai đoạn 10 năm trước đó làm thiệt hại khoảng 117.000 căn; năm 2018 và 2019, mỗi năm khoảng 3.500 căn.
Năm 2020, trong tháng 10 có 3 cơn bão (số 5, 6, 7) và 2 áp thấp nhiệt đới gây 2 đợt mưa lớn kéo dài cộng với lũ lớn, lũ đặc biệt lớn và là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng, khốc liệt bởi bão chồng bão, mưa chồng mưa, lũ chồng lũ. Mức ngập lụt vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999; thậm chí có nơi vượt mốc lịch sử 40 năm qua.
Thế nhưng, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện đã có 37.524 ngôi nhà bị hư hỏng. Con số này tuy cao hơn những năm vừa qua nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước khi có các chương trình hỗ trợ nhà ở đã nêu.
Đáng chú ý, báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương cũng cho thấy, hiện chưa có căn nhà nào thuộc chương trình hỗ trợ nhà ở phòng, tránh bão, lụt theo quyết định số 48 bị sập đổ, hư hỏng nặng trong đợt mưa lũ vừa qua tại miền Trung.