Việc khai thác thủy sản, nhất là khai thác xa bờ theo tổ đội tuy đạt những kết quả nhất định, song còn bộc lộ nhiều hạn chế. Thực tế trên đòi hỏi phải có một chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác trên biển theo mô hình này.
Giá đầu vào tăng, tàu cá nằm bờ
Sản xuất thủy sản thời gian qua gặp nhiều “sóng gió”. Ông Hoàng Đình Yên (Tổng cục Thủy sản) cho biết, ngành khai thác thủy sản đang đối mặt với tình trạng nguồn lợi suy giảm; diễn biến thời tiết thất thường; giá xăng dầu và vật tư phục vụ khai thác liên tục tăng, trong khi giá bán sản phẩm tăng không tương ứng. Điều này đã ảnh hưởng đến nghề khai thác hải sản; thậm chí một số tàu cá đã phải nằm bờ. Để vượt qua những khó khăn này và tiếp tục sản xuất, ngư dân đang phải chật vật xoay xở bằng nhiều cách, trong đó có cách vay tiền chủ vựa trước mỗi chuyến ra khơi; rồi sau đó bán lại sản phẩm cho các chủ vựa.
Tàu cá về cảng Cửa Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị. |
Bên cạnh những tổ đội hoạt động khá tốt cũng có một số tổ hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Các tổ này chưa tổ chức được các tàu dịch vụ hậu cần phục vụ cho hoạt động khai thác hải sản; chưa liên kết được với nhau trong việc ký các hợp đồng bán sản phẩm cho nhà máy chế biến nên ngư dân vẫn bị chủ nậu, vựa ép giá. Thông tin liên lạc hai chiều giữa tổ trưởng và các cơ quan quản lý vẫn còn hạn chế, gây nhiều khó khăn trong việc thông báo diễn biến tình hình thời tiết, phối hợp tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và an toàn của các tổ trên biển.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chưa có chính sách hỗ trợ đối với ngư dân tổ chức sản xuất trên biển theo mô hình tổ hợp tác.
Cần chính sách đặc thù
Hỗ trợ đánh bắt xa bờ là vấn đề đã được nêu trong nhiều chính sách như: Nghị quyết 48/NĐ - CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản; Quyết định số 63/2010/QĐ - TTg và số 65/2010/QĐ - TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch.
“Cái ngư dân cần nhất hiện nay là tín dụng. Ngư dân đang phải vay các chủ vựa với lãi suất cắt cổ, thiệt hại cả hai đầu: vừa phải vay lãi suất cao, vừa bị ép giá sản phẩm”. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám |
Tuy nhiên, chính sách này chỉ đến được với trên 4.000 tàu cá và đến nay mới giải ngân được cho trên 2.000 tàu. Do vậy, theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, cần phải có một chính sách hỗ trợ ngư dân về khai thác hải sản theo mô hình tổ đội, tập trung vào tàu đánh bắt xa bờ công suất từ 150 CV trở lên. Trong đó, việc hỗ trợ cho hoạt động của tổ trưởng là cần thiết để tổ trưởng liên lạc hàng ngày với các thành viên, sau đó đại diện cho tổ báo về bờ những rủi ro, những tai nạn.
Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, điều đặc biệt quan trọng và cấp thiết trong tình hình hiện nay là phải nghiên cứu chính sách hỗ trợ tín dụng cho ngư dân. Cụ thể, trong quan hệ tín dụng này cần có sự tham gia của UBND các tỉnh. Theo đó, ngân hàng cho ngư dân vay với sự giám sát và bảo lãnh của UBND tỉnh. “Những tổ hợp tác này phải nằm trong danh mục được UBND tỉnh phê duyệt. Bởi khi thấy ngư dân được sự giám sát của UBND tỉnh, ngân hàng và các tổ chức tín dụng sẽ yên tâm cho ngư dân vay. Cơ chế xử lý rủi ro cũng phải là cơ chế đặc biệt, không thể là cơ chế tín dụng thương mại thông thường”, ông Vũ Văn Tám nói.
Một số ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn là làm cách nào để tăng cường trách nhiệm của tổ viên và tổ trưởng tàu. Đại diện Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng) gợi ý, nên quy định các thành viên trong tổ đội phải có đóng góp như một hình thức thu hội phí. Như thế mới tránh được việc “vào ra thoải mái” - thành lập xong rồi giải tán, tránh được việc ngư dân lợi dụng chính sách để nhận hỗ trợ.
Tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển thời gian qua góp phần quan trọng trong phát triển khai thác hải sản kết hợp với bảo vệ chủ quyền an ninh trên biển. Cụ thể, triển khai theo mô hình này, ngư dân giảm được chi phí trong mỗi chuyến đi biển, hỗ trợ nhau trong khai thác, hậu cần nghề cá hay khi gặp rủi ro... Thống kê của Tổng cục Thủy sản cho thấy, cả nước hiện có 3.500 tổ với khoảng 21.500 tàu cá và 136.000 lao động. |
Mạnh Minh