Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, Nhật Bản và Hàn Quốc là đối tác thương mại truyền thống, quan trọng và còn là thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng trong thời gian tới.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội thảo Thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam với thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc trong tình hình mới. 

Ngày 19/4, Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP Hồ Chí Minh (CIIS) phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức hội thảo “Thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam với thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc trong tình hình mới”. 

Theo ITPC, xuất nhập khẩu là “điểm sáng” của kinh tế TP Hồ Chí Minh trong những năm qua, nhất là các thị trường lớn như Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh tại thị trường Nhật Bản đạt hơn 2,9 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm trước; xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc đạt gần 680 triệu USD. 

Một trong những lý do góp phần vào sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đó chính là doanh nghiệp thành phố có sự nỗ lực rất lớn và tận dụng lợi thế từ lộ trình cắt giảm thuế quan của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết với Nhật Bản (AJCEP, VJEPA, CPTPP, RCEP) và Hàn Quốc (AKFTA, VKFTA, RCEP).

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho biết, Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 nền kinh tế lớn và cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, mặc dù Việt Nam đã ký kết và thực thi với Nhật Bản các FTA như (AJCEP, VJEPA, CPTPP, RCEP) và Hàn Quốc (AKFTA, VKFTA, RCEP) nhưng tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc hiện còn khiêm tốn, chiếm lần lượt 2,7% và 3,3%. Chính vì vậy, hàng hóa Việt Nam tại Nhật Bản và Hàn Quốc còn nhiều cơ hội mở rộng và tăng trưởng nếu như các doanh nghiệp biết tận dụng các cơ hội tốt hơn ở 2 thị trường này.

Đại diện cho các  doanh nghiệp Hàn Quốc, ông Choi Kyu Chul, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại TP Hồ Chí Minh (KOCHAM) cho biết, để thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam – Hàn Quốc nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng, trong trung và dài hạn, Việt Nam cần xây dựng cho mình được nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng bằng nguồn vốn xã hội hóa; tập trung mở rộng đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ như vật liệu, linh kiện… đặc biệt là hỗ trợ cho các ngành công nghiệp phát triển theo hướng thân thiện với môi trường. Qua đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh liên kết chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp Hàn Quốc, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp, trong thời gian qua, ITPC đã tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại nhằm cung cấp, cập nhật thông tin thị trường, xu hướng tiêu dùng, kết nối cung cầu với các thị trường tiềm năng dành cho doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh. Phía ITPC cũng mời các chuyên gia của Bộ Công Thương giới thiệu các yêu cầu, tiêu chuẩn cụ thể đối với từng mặt hàng; những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp thường gặp khi xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc, từ đó đưa ra các khuyến nghị giúp doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu vào hai thị trường này.

 

Tin, ảnh: PV/Báo Tin tức
Nhật Bản và Hàn Quốc tham vấn an ninh lần đầu tiên sau 5 năm
Nhật Bản và Hàn Quốc tham vấn an ninh lần đầu tiên sau 5 năm

Ngày 17/4, Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhất trí tăng cường hợp tác an ninh, khi hai nước tổ chức cuộc tham vấn an ninh cấp chuyên viên đầu tiên ở thủ đô Seoul trong hơn 5 năm qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN