Hình thành chuỗi liên kết
Huyện Krông Năng nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Đắk Lắk, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 50 km. Huyện có địa hình tương đối bằng phẳng, khí hậu ôn hòa, nguồn nước ổn định là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là phát triển các cây trồng chủ lực của địa phương như: cà phê, hồ tiêu, mắc ca, sầu riêng, bơ, vải chín sớm. Hiện huyện có trên 54.000 ha cây trồng các loại; trong đó, diện tích trồng cây lâu năm là 38.818 ha, diện tích trồng cây ăn quả là 4.590 ha.
Trong những năm qua, đặc biệt từ năm 2018 đến nay, UBND huyện luôn cập nhật và triển khai đồng bộ các chương trình trong lĩnh vực nông nghiệp như: chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, trên địa bàn huyện đã hình thành các chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả, chuỗi liên kết trên sản phẩm cà phê...
Nổi bật như dự án "Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả gồm sầu riêng, bơ, xoài, cây có múi, vải" giữa Công ty cổ phần Sản xuất và Dịch vụ Nông nghiệp Hương Cao Nguyên ký kết với các hợp tác xã trên địa bàn huyện Krông Năng.
Dự án triển khai từ năm 2020 đến năm 2024, trên tổng diện tích 60 ha cây ăn quả. Tham gia dự án, nông dân được tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ vật tư nông nghiệp, quản lý chuỗi phát triển thị trường, đăng ký VietGAP và nhận diện thương hiệu, bao tiêu sản phẩm…
Anh Phạm Văn Bằng, xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Thanh niên Ea Dăh cho biết, gia đình anh có 4 ha trồng quả vải, sản lượng năm 2020 đạt 30 tấn. Nếu như trước đây, quả vải của gia đình anh Bằng bán chủ yếu cho thị trường tự do, phải qua các khâu trung gian thì hiện nay anh Bằng tin tưởng và phấn khởi khi đầu ra đã được kết nối và bao tiêu.
Theo anh Bằng, tham gia dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm giúp gia đình anh giảm nhiều khâu trung gian khi đưa quả vải đến với người tiêu dùng, thị trường ổn định, lâu dài và hiệu quả. Đặc biệt, việc liên kết hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sẽ làm tăng tính cạnh tranh của quả vải trên thị trường.
Cùng niềm tin và phấn khởi như anh Bằng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Thanh niên Ea Dăh Phạm Hồng Thao chia sẻ, toàn bộ 30 ha quả vải với sản lượng dự kiến khoảng 600 tấn của hợp tác xã sẽ thu hoạch vào cuối tháng 4 này đã đạt chứng nhận VietGAP và được bao tiêu.
Như vậy, sau 3 năm thành lập, hợp tác xã không còn phải loay hoay tìm hướng đi và đầu ra cho sản phẩm. Thành công của hợp tác xã phần lớn nhờ vào chính sách, sự quan tâm, khuyến khích của chính quyền địa phương, giúp hợp tác xã hình thành vùng sản xuất vải chuyên canh, năng suất sản phẩm ổn định.
Ông Phạm Văn Thật, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hương Cao Nguyên đánh giá, để có nền nông nghiệp bền vững cần nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thị trường.
Đặc biệt, vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng trong việc đưa các chủ trương chính sách, đồng hành với nông dân, kích thích nông dân sản xuất theo hướng từ hàng hóa tự chủ sang hàng hóa thị trường. Nói cách khác là thay đổi thói quen từ canh tác theo bản năng thành sản xuất hàng hóa theo quy trình đáp ứng nhu cầu của thị trường. Huyện Krông Năng đang thực hiện tốt vai trò này.
Kết nối doanh nghiệp và nông dân
Thực tế, trong những năm gần đây, huyện Krông Năng đã tổ chức nhiều hội thảo kết nối 3 bên (nông dân, chính quyền, doanh nghiệp), mời gọi doanh nghiệp, đơn vị hỗ trợ đầu vào, hỗ trợ nâng cao sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường và hỗ trợ đầu ra.
Đến nay, huyện có 47 hợp tác xã nông nghiệp, 107 trang trại và nhiều hộ sản xuất kinh doanh nông nghiệp sẵn sàng ứng dụng và thực hiện các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, cập nhật những xu hướng mới vào sản xuất. Năm 2020, huyện có 4 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh.
Ngoài ra, huyện đã chủ động thẩm định uy tín doanh nghiệp, kết nối và tạo điều kiện cho nông dân cùng doanh nghiệp gặp nhau, đi đến những thỏa thuận đưa nông sản huyện vươn xa ra thế giới.
Thực tế, việc hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua chính quyền địa phương sẽ giúp doanh nghiệp khẳng định được uy tín, trách nhiệm của mình, người nông dân huyện yên tâm hợp tác, thúc đẩy các liên kết sản xuất phát huy hiệu quả.
Ông Đỗ Hoàng Phương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Toàn Cầu cho biết, công ty nhìn nhận tỉnh Đắk Lắk có tiềm năng rất lớn về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây ăn quả. Qua kết nối, công ty đang tìm hiểu để đưa quả vài của huyện Krông Năng xuất khẩu đi các nước châu Âu và Nhật Bản. Lợi thế là quả vải của Krông Năng chín sớm, lệch vụ thu hoạch nên thuận lợi vào thị trường cạnh tranh với các vùng trồng vải trong và ngoài nước, giá cả tốt.
Hơn nữa, việc sản xuất vải theo vùng chuyên canh, theo hướng VietGAP của huyện Krông Năng sẽ nâng cao giá trị nông sản, giúp khách hàng chấp nhận được. Điều quan trọng là phải đảm bảo được số lượng lớn, bảo quản sản phẩm nông sản được càng lâu thì càng tiến xa ra thị trường thế giới.
Tuy nhiên, trong thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, huyện Krông Năng hiện gặp nhiều khó khăn như: phần lớn các hợp tác xã, trang trại, hộ sản xuất kinh doanh thiếu đầu tư máy móc, dây chuyền công nghệ chế biến, quy mô nhỏ lẻ; sản lượng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã chiếm tỷ trọng nhỏ.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, bảo quản và cung cấp sản phẩm ra thị trường khá khiêm tốn.
Theo ông Trương Hoài Anh, Chủ tịch UBND huyện Krông Năng, thời gian tới, huyện đề xuất chính quyền tỉnh cùng ngành nông nghiệp Đắk Lắk quan tâm và quyết liệt hơn trong việc phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân nông thôn. Đồng thời, các cấp, ngành, địa phương triển khai đồng bộ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 17 của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk thì đời sống nông dân, nông thôn, nông nghiệp sẽ phát triển.
Ngoài ra, huyện đề xuất tỉnh quan tâm đầu tư hệ thống giao thông nội đồng, hệ thống điện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Huyện Krông Năng cũng kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản với quy mô lớn, công nghệ hiện đại tại địa bàn huyện.
Đồng hành với nông dân
Mới đây, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, thương mại và dịch vụ Minh Toàn Lợi của huyện Krông Năng là mô hình duy nhất của tỉnh Đắk Lắk được chọn để triển khai thực hiện mô hình "Hoàn thiện và mở rộng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến xây dựng thương hiệu sản phẩm".
Đây là mô hình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được triển khai nhằm góp phần khắc phục tình trạng sản xuất cà phê theo quy mô nhỏ, lẻ và tỷ lệ cơ giới hóa còn thấp, thiếu các tác nhân trong các vùng nguyên liệu cũng như trong chuỗi giá trị sản phẩm. Đây là tin vui cho huyện Krông Năng về duy trì cũng như tăng cường liên kết sản xuất, tiệu thụ cà phê ổn định và phát triển bền vững.
Theo ông Vũ Đức Quân, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, thương mại và dịch vụ Minh Toàn Lợi, thành viên hợp tác xã đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để thực hiện mọi quy trình canh tác phù hợp với quy chuẩn canh tác của cà phê bền vững gắn với cơ giới hóa đồng bộ. Tham gia mô hình, hợp tác xã dự kiến xây dựng sản xuất cho 70 ha cà phê gắn với cơ giới hóa toàn bộ và tiêu thụ.
Theo ông Nguyễn Hữu Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, huyện Krông Năng đã tận dụng được thế mạnh trong phát triển nông nghiệp, địa phương chủ động đưa cơ chế chính sách đến với nông dân và hỗ trợ người nông dân liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, huyện đã đồng thuận trong tổ chức thực hiện, đồng hành với nông dân từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra. Sự năng động của huyện là điểm sáng mà nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cần học hỏi.
Với những nỗ lực về thúc đẩy liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện Krông Năng tăng từ 4.862 tỷ đồng năm 2015 lên 6.239 tỷ đồng năm 2020. Quyết tâm phát triển nền nông nghiệp bền vững là kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Krông Năng.
Trong bối cảnh mở cửa hội nhập, với những lợi thế sẵn có, cùng quyết tâm của huyện và sự sẵn sàng của người nông dân, các giải pháp liên kết phù hợp đang được triển khai sẽ hứa hẹn đưa nông sản Krông Năng cạnh tranh tốt, nâng cao giá trị và vươn ra thị trường lớn.