Nỗ lực vượt thu trong bối cảnh Trung Quốc áp “Zero-COVID”
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Trịnh Văn Nhuận - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh cho biết: COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, XNK của doanh nghiệp; tác động của giá xăng dầu; khủng hoảng chiến sự Ukraine - Nga; chính sách thuế ưu đãi đặc biệt theo lộ trình cắt giảm thuế khi thực hiện các hiệp định song phương, đa phương, đặc biệt trong bối cảnh chịu ảnh hưởng từ chính sách “Zero-COVID” của Trung Quốc khiến nhiệm vụ thu NSNN gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên theo ông Trịnh Văn Nhuận, nhờ bám sát chỉ đạo của Tổng cục Hải quan (TCHQ) triển khai hiệu quả các giải pháp tăng thu, chống thất thu; chủ động phối hợp với các sở, ngành kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh và địa phương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt tham mưu cho tỉnh hội đàm với phía bạn Trung Quốc thúc đẩy thông quan hàng hóa đã giúp số thu NSNN trong 8 tháng năm 2022 đạt 9.873 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái; đạt 98,7% chỉ tiêu Bộ Tài chính giao là 10.000 tỷ đồng; đạt 94% chỉ tiêu TCHQ giao là 10.500 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến ngày 15/8, số thu ngân sách của Cục Hải quan Lào Cai đạt hơn 1.000 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ 2021. Lũy kế từ ngày 1/1/2022 đến 15/8/2022 đạt 1.054,25 tỷ đồng, bằng 68,45% chỉ tiêu Bộ Tài chính giao (1.540 tỷ đồng) bằng 58,56% chỉ tiêu HĐND tỉnh Lào Cai giao phấn đấu (1.800 tỷ đồng) tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ đạt 963,16 tỷ đồng).
Số thu ngân sách đạt khá là kết quả đáng ghi nhận của Cục Hải quan Lào Cai trong bối cảnh hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn chịu tác động mạnh do chính sách “Zero-COVID” của phía Trung Quốc, khiến nhiều thời điểm giao thương qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành phải tạm dừng hoặc diễn ra nhỏ giọt.
Hiện nay, sau khi phía Trung Quốc nới hoạt động XNK qua cặp cửa khẩu Hà Khẩu (Trung Quốc) - Kim Thành (Lào Cai), số lượt ô tô nhập cảnh vào Lào Cai tăng mạnh. Số ô tô xuất nhập cảnh chủ yếu qua cặp cửa khẩu Hà Khẩu (Trung Quốc) - Kim Thành (Lào Cai) để chở hàng hóa xuất nhập khẩu. Trong đó, ô tô Trung Quốc sau khi nhập cảnh vào Việt Nam và được giải phóng hết hàng hóa sẽ được xuất cảnh về nước, trường hợp với ô tô Việt Nam cũng tương tự.
Kết quả thu ngân sách của Cục Hải quan Cao Bằng có sự tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Cục Hải quan Cao Bằng, tháng 8/2022 (kỳ từ ngày 16/7 đến 15/8), toàn Cục thu ngân sách được 187,1 tỷ đồng, tăng 34% so với tháng trước. Lũy kế từ đầu năm số thu của Cục đạt 2.190 đạt 913% chỉ tiêu cả năm và bằng 1.355% so với cùng kỳ 2021.
Nguồn thu của Hải quan Cao Bằng chủ yếu đến từ thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng của mặt hàng ô tô. Luỹ kế từ đầu năm đến 15/8, kim ngạch xuất nhập khẩu toàn Cục đạt 547,2 triệu USD tăng 76% so với cùng kỳ năm trước.
Với kết quả thu ngân sách tích cực trong tháng gần đây, Cục Hải quan Hải Phòng đặt mục tiêu sẽ cán mốc kỷ lục 70.000 tỷ đồng trong năm 2022 - cao nhất từ trước đến nay. Lũy kế số thu ngân sách của Hải quan Hải Phòng trong 7 tháng năm nay đạt 45.063 tỷ đồng, tăng 6.072,5 tỷ đồng (tương ứng 15,5%) so với cùng kỳ năm 2021, bằng 70,8% chỉ tiêu cả năm do Bộ Tài chính giao, bằng 67,2% chỉ tiêu phấn đấu TCHQ giao.
Kiến nghị bãi bỏ thủ tục không phù hợp; nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài
Dầu thô là nguồn thu đóng góp vào NSNN có mức tăng cao trong những tháng gần đây. Bên cạnh đó, nguồn thu từ xăng dầu nhập khẩu của lĩnh vực hải quan cũng tăng đột biến.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Hải quan Quảng Ninh, việc mạnh công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan; Hỗ trợ doanh nghiệp XNK trong bối cảnh phục hồi nền kinh tế mới là giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu. Theo đó, lực lượng hải quan thường xuyên rà soát, kiến nghị cắt giảm, thống nhất đầu mối quản lý, thay đổi phương thức kiểm tra đối với các nhóm mặt hàng thuộc diện phải kiểm tra, quản lý chuyên ngành nhằm rút ngắn quy trình xử lý, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK.
“Hồ sơ được nộp cho cơ quan hải quan qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử theo dạng dữ liệu điện tử hoặc chứng từ giấy được chuyển đổi sang chứng từ điện tử (bản scan có xác nhận bằng chữ ký số), doanh nghiệp không phải nộp các chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan cho cơ quan hải quan (trừ các trường hợp phải nộp chứng từ bản chính, chứng từ bản gốc theo quy định của các bộ, ngành)”, ông Ngô Tùng Dương, Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Hòn Gai cho biết.
Theo Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn Nguyễn Hồng Linh, chính sách “Zero COVID” phong tỏa phòng chống dịch của Trung Quốc vẫn tiếp tục thực hiện rào biên giới, hạn chế xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh (XNC). Trong khi đó, việc giao nhận hàng hóa theo phương thức mới (mỗi cửa khẩu thực hiện 1 phương thức) đã làm giảm năng lực thông quan, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động XNK của các qua địa bàn tỉnh cũng như dẫn đến kim ngạch và số thu NSNN giảm sâu so với thời gian trước khi dịch bệnh bùng phát.
Trước tình hình đó, Cục Hải quan Lạng Sơn đã phối hợp chặt với các lực lượng chức năng, doanh nghiệp kinh doanh bến bãi trên địa bàn thường xuyên trao đổi, hội đàm với các cơ quan chức năng phía Trung Quốc để khôi phục hoạt động XNK tại các cửa khẩu bị đóng do COVID-19, đề nghị phía Trung Quốc kéo dài thời gian mở cửa khẩu, làm việc thêm vào ngày nghỉ; tích cực triển khai nhiều giải pháp tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, nâng cao năng lực thông quan và hiệu quả quản lý về hải quan tại các cửa khẩu.
Bên cạnh đó, Cục Hải quan Lạng Sơn đã đề xuất, kiến nghị với TCHQ, Tổng cục Đường sắt Việt Nam về việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng bãi hóa trường, hội đàm với ngành đường sắt Trung Quốc bố trí cung cấp toa xe, sắp xếp kế hoạch tàu chạy phù hợp, nâng cao năng lực thông quan hàng hóa XNK qua Ga Đường sắt quốc tế Đồng Đăng.
Trước đó, Tổng cục trưởng TCHQ Nguyễn Văn Cẩn cho biết: Từ nay tới cuối năm, ngành Hải quan tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN để tạo thuận lợi thương mại, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh; tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ trong thực hiện nhiệm vụ thu NSNN.