Hiệu quả từ các công trình thủy lợi tại Tây Nguyên

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đến nay các tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng) đã đầu tư xây dựng 2.261 công trình thủy lợi lớn, vừa và nhỏ, với gần 5.000 km kênh mương được kiên cố hóa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của các địa phương.

Hiện hệ thống thủy lợi gồm 1.150 hồ chứa, 942 đập dâng, 114 trạm bơm… đảm bảo diện tích tưới cho trên 202.100 ha lúa, cà phê, hoa màu, trong đó có gần 73.000 ha lúa nước vụ đông xuân, 112.627 ha cây cà phê, đạt 75,2% diện tích thiết kế. Nhiều công trình hồ đập lớn phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn như hồ Đắk Uy (Kon Tum), Biển Hồ, Ayun Hạ, Ia Mlas (Gia Lai) hồ Ea Súp thượng, Ea Súp hạ, Ea Kao, Krông Búk hạ, Ea Nhái (Đắk Lắk), hồ Đa Nhim (Lâm Đồng)...

Người dân Kon Tum bơm nước từ suối Hố Chuối để cứu lúa. Tuy nhiên lượng nước ở con suối này cũng đang cạn dần. Ảnh: Cao Nguyên - TTXVN


Trước năm 1975, các tỉnh Tây Nguyên chỉ có vài công trình thủy lợi, diện tích ruộng nước hầu như không đáng kể, chủ yếu là sản xuất lúa nương rẫy dựa vào nước trời (nước mưa) là chính, năng suất chỉ đạt vài tạ thóc/ha nên đời sống đồng bào thường xuyên đói giáp hạt. Để nhanh chóng khắc phục tình trạng này, ổn định đời sống đồng bào các dân tộc, ngay sau ngày giải phóng, các tỉnh Tây Nguyên ngoài việc đầu tư phát triển các công trình thủy lợi còn tập trung mọi nguồn lực mở các công trường khai hoang bằng thủ công kết hợp với cơ giới để xây dựng các cánh đồng gieo sạ lúa nước. Nhiều vùng đất hoang hóa, đất nương rẫy ở các tỉnh Tây Nguyên trước đây sau khi có các công trình thủy lợi đã trở thành các cánh đồng gieo sạ lúa nước trù phú, tập trung rộng hàng nghìn ha.

Hoàn thiện phần dàn phai điều tiết nước tại đập Thủy lợi Đăk Toa (Kon Tum). Ảnh: Cao Nguyên - TTXVN


Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đã có diện tích gieo trồng các loại cây trên 1,932 triệu ha, trong đó cây hàng năm 926.195 ha, cây lâu năm có trên 1 triệu ha... Đặc biệt, từ một vùng đất chủ yếu là cây lúa rẫy nay, các tỉnh Tây Nguyên đã có trên 238.350 ha lúa nước gieo sạ trong cả hai vụ: Đông xuân và hè thu. Tại những vùng sản xuất cây lương thực, nhất là cây lúa nước, các công trình thủy lợi đảm bảo nguồn nước, năng suất đạt từ 55 tạ thóc/ha/vụ trở lên. Thậm chí, có những vùng đồng bào các dân tộc thực hiện thâm canh tốt đạt từ 70 tạ thóc/ha/vụ. Diện tích cà phê được chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi cũng đạt năng suất từ 4 tấn cà phê nhân/ha. Nhờ tác động của các công trình thủy lợi, mỗi năm các tỉnh Tây Nguyên đạt sản lượng từ 2,561 triệu tấn trở lên đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ và xuất bán cho các tỉnh, thành trong cả nước. 

Trước ngày giải phóng đất nước, tỉnh Đắk Lắk chỉ có 200 ha lúa nước tập trung ở ven sông Krông Ana, Krông Nô, thì nay có gần 95.000 ha, trong đó, vụ đông xuân có trên 31.000 ha, với năng suất lúa đạt bình quân 55 tạ thóc/ha/vụ góp phần đạt sản lượng lương thực mỗi năm từ 1,257 triệu tấn trở lên.

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, phát triển thủy lợi ở Tây Nguyên còn làm cho bộ mặt các vùng nông thôn thay đổi vì khi có công trình thủy lợi thì ở đó cơ sở hạ tầng đều phát triển, các khu tái định cư khang trang hơn ở nơi ở cũ, giao thông, văn hóa, y tế, giáo dục được mở mang theo phục vụ tốt đời sống đồng bào các dân tộc. Phát triển các công trình thủy lợi ở Tây Nguyên cũng góp phần đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho đồng bào các dân tộc ở các vùng nông thôn, thị tứ, thành phố và các khu, cụm công nghiệp…

Theo quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Tây Nguyên từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, các tỉnh Tây Nguyên sẽ đầu tư xây dựng mới 1.614 công trình và nâng cấp 756 công trình thủy lợi, với tổng nguồn vốn đầu tư trên 58.000 tỷ đồng nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ thâm canh cây trồng để đạt năng suất, sản lượng cao, góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc.

Quang Huy

Miễn hơn 55,6 tỷ đồng phí thủy lợi cho nông dân
Miễn hơn 55,6 tỷ đồng phí thủy lợi cho nông dân

UBND tỉnh Phú Yên vừa phê duyệt diện tích miễn thu thủy lợi phí năm 2015 là hơn 51.681 ha. Tổng kinh phí được Nhà nước cấp bù miễn thu thủy lợi phí năm 2015 là hơn 55,6 tỷ đồng để phục vụ nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN