Đặc biệt là việc mở rộng liên kết bao tiêu đầu ra cho nông sản giúp tăng lợi nhuận cho người dân, hướng đến phát triển kinh tế bền vững cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Giúp ổn định giá, đầu ra nông sản
Hơn 1 tuần qua, nông dân trồng khoai mỡ Mộng Linh ở xã An Minh Bắc và xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng hết sức phấn khởi khi bước vào thu hoạch rộ vụ khoai năm 2024 “được mùa, được giá”. Đa phần nông dân trồng khoai mỡ Mộng Linh ở 2 địa phương này đều là thành viên của Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Kênh 10 ở xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng.
Anh Lương Ngọc Dành (thành viên Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Kênh 10) cho biết, vụ khoai năm nay gia đình trồng trên diện tích 1,3ha. Sau 6 ngày thu hoạch, đến ngày 9/12 gia đình anh Dành thu hoạch dứt điểm các rẫy khoai, sản lượng hơn 40 tấn. Tất cả số lượng khoai anh Dành thu hoạch được đều được Hợp tác xã thu mua với giá 9.000 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình anh lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng.
Anh Dành chia sẻ, trước năm 2021, khi chưa ký kết bao tiêu đầu ra với hợp tác xã, gia đình anh cũng như nhiều nông dân trồng khoai mỡ Mộng Linh ở xã An Minh Bắc đều gặp khó khăn trong việc tiêu thụ, giá cả lên xuống thất thường và phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Từ vụ khoai năm 2021 đến nay, nhờ tham gia vào Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Kênh 10, được đơn vị ký kết thu mua 100% sản lượng củ thu hoạch được với mức giá 9.000 đồng/kg giúp gia đình yên tâm canh tác.
Theo anh Dành, khoai mỡ Mộng Linh thích nghi khá tốt trên vùng đất nhiễm phèn, mặn; tuy nhiên trong quá trình trồng khoai cũng gặp một số loại bệnh trên dây và lá. Chính vì thế, người trồng phải có kinh nghiệm mới chăm sóc, bảo vệ tốt các rẫy khoai để đạt chất lượng củ.
“Trồng khoai mỡ Mộng Linh muốn đảm bảo lợi nhuận, khi đến lứa thu hoạch tỷ lệ củ đạt trọng lượng từ 3-5 kg trở lên phải hơn 70%. Riêng gia gia đình tôi, trồng có khoảng 10% số củ đạt trọng lượng từ 10-16 kg. Nhờ đó, năng suất khoai trồng đạt khá cao, khoảng 4 tấn/1.000 m2”, anh Dành nói.
Theo bà Trần Thị Vỹ, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Kênh 10, đơn vị liên kết với một công ty ở tỉnh Đồng Nai thu mua khoai mỡ Mộng Linh của nông dân được 4 năm với mức giá cố định 9.000 đồng/kg. Qua 4 năm liên kết với công ty thu mua hơn 1.200 tấn khoai mỡ của các thành viên Hợp tác xã và một số nông dân địa phương. Số lượng khoai được công ty đặt hàng cũng tăng qua từng năm và riêng trong vụ khoai 2024 này ký kết thu mua 500 tấn khoai, nhưng thực tế năng suất tăng nên sẽ thu mua hết khoảng 700 tấn khoai.
“Khoai mỡ Mộng Linh Được trồng ở U Minh Thượng khoảng chục năm nay, tuy nhiên đầu ra không ổn định, bởi củ khoai rất to, ít có người nội trợ chọn dùng làm thức ăn hàng ngày nên cần phải có thị trường tiêu thụ ổn định như các công ty thu mua sản xuất, chế biến mới giúp cho đầu ra ổn định cho nông dân. Trong thời gian tới, Hợp tác xã tiếp tục đề xuất công ty tăng số lượng thu mua khoai để mở rộng diện tích trồng, giúp tăng thu nhập cho nông dân”, bà Vỹ nói.
Không chỉ có nông dân trồng khoai ở huyện U Minh Thượng được tận hưởng niềm vui “được mùa, được giá”, 53 thành viên trồng dứa của Hợp tác xã nông nghiệp nông dân dứa Vĩnh Phú, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) cũng có niềm vui tương tự.
Ông Trần Minh Hoàng, thành viên Hợp tác xã cho biết, gia đình trồng trên diện tích gần 4ha. Ba tuần qua gia đình bước vào thu hoạch rộ vụ dứa và đến nay đã thu hoạch hơn 60% số lượng trái, hơn 20.000 trái, bán với giá từ 11.000 - 12.000 đồng/trái, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận hơn 170 triệu đồng.
Đa dạng loại hình dịch vụ hợp tác xã
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Hợp tác xã Nông nghiệp nông dân dứa Vĩnh Phú, hợp tác xã có 53 thành viên, sản xuất trên diện tích 67ha, sản lượng dứa mỗi năm thu hoạch 1 triệu trái. Nghề trồng dứa ở xã được hình thành từ năm 2016 đến nay. Tuy nhiên, từ năm 2021 trở về trước đầu ra trái dứa không ổn định và giá khá thấp, chỉ từ 5.000 - 7.000 đồng/trái, người trồng có lời thấp. Từ năm 2022 đến nay, khi Hợp tác xã được thành lập và áp dụng quy trình trồng theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ giúp ổn định đầu ra và giá bán cho người trồng.
Ông Minh nói: “Hợp tác xã bên cạnh cung ứng dứa giống, vật tư nông nghiệp với giá rẻ hơn các đại lý, còn liên kết diện tích, sản lượng đủ lớn cung ứng cho các nhà máy chế biến nên giá bán cao hơn thị trường, trong khi đó chi phí đầu tư mùa vụ giảm khoảng 10%. Nhờ đó, giúp nông dân tăng lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng và hiện nay trung bình lợi nhuận từ cây dứa của các thành viên khoảng 120 triệu đồng/vụ”.
Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang, tính đến ngày 15/11/2024, toàn tỉnh thành lập mới 16 hợp tác xã, sáp nhập 4 hợp tác xã. Lũy kế, nâng tổng số hợp tác xã của tỉnh hiện có 531 hợp tác xã đang hoạt động, với tổng diện tích 66.800 ha, vốn điều lệ trên 498 tỷ đồng. Trong số đó có 471 hợp tác xã nông nghiệp. Cùng với đó, liên mình hợp hợp tác xã đã thành lập mới 87 tổ hợp tác, nâng tổng số tổ hợp tác hiện có 2.359 tổ hợp tác; trong đó, có 1.687 tổ hợp tác nông nghiệp, tổng số vốn góp trên gần 19 tỷ đồng, hơn 65.000 ha canh tác.
Ông Phạm Thành Trăm, Phó chủ tịch Thường trực Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang cho biết, các hợp tác xã thành lập mới trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản, ngành nghề đăng ký kinh doanh với các dịch vụ hỗ trợ đầu vào cho thành viên như: thủy lợi, làm đất, thu hoạch, cung ứng vật tư nông nghiệp, con giống, mô hình nuôi tôm-lúa, nuôi trồng thủy sản, nuôi lươn đồng, thu gom nông sản và liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho thành viên…
Việc thành lập hợp tác xã đã đáp ứng được nhu cầu hợp tác của thành viên trong việc phát triển kinh tế hộ. Qua tuyên truyền đã nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của hợp tác xã đối với phát triển kinh tế-xã hội, người dân thấy được lợi ích khi tham gia hợp tác xã.
Hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp đã giải quyết tốt các quan hệ hợp tác, giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất, quản lý nguồn lợi thiên nhiên; giúp thành viên áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật giảm lượng giống, nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ngày công lao động làm tăng năng suất và thực hiện tốt các khâu dịch vụ hỗ trợ như: Bơm tát, làm đất, thu hoạch, vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi và tiêu thụ sản phẩm giúp giảm chi phí, tăng thu nhập cho thành viên khoảng 2.500.000 đồng/ha/vụ.
“Hợp tác xã với các loại hình dịch vụ đa dạng, phong phú có tác dụng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, các hợp tác xã đã phát huy vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người dân, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống; góp phần vào sự phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương”, Phó chủ tịch Thường trực Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang Ông Phạm Thành Trăm nhấn mạnh.