Trải qua 800 năm lịch sử, Bắc Kinh vừa cổ kính, trầm mặc, vừa sôi động và hiện đại. Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học và giáo dục của cả nước, Bắc Kinh cũng là nơi kết tụ những tinh hoa và thành tựu nổi bật của Trung Quốc trên các lĩnh vực.
Sau 38 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đứng đầu thế giới cả về thương mại và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đạt thành tựu vượt bậc về khoa học kỹ thuật như công nghệ thông tin, vật liệu mới, hàng không vũ trụ, hải dương học…; đồng thời phát triển nhanh chóng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh.
Quảng trường Thiên An Môn, thủ đô Bắc Kinh. Ảnh:EPA/TTXVN |
Trong quá trình đó, Chiết Giang nổi lên như một “hiện tượng”, một “mô hình” tiêu biểu về tinh thần khởi nghiệp, năng động, sáng tạo, trở thành một trong những địa phương giàu có bậc nhất của Trung Quốc. Tính đến tháng 9/2016, GDP của Chiết Giang xếp thứ 4 và bình quân thu nhập đầu người xếp thứ 3 toàn quốc.
Từ một tỉnh đất chật người đông, không được Trung ương đầu tư lớn về tài chính, không dựa nhiều vào đầu tư nước ngoài, cũng không có các tập đoàn nhà nước mạnh, đến nay Chiết Giang đã đi đầu về khuyến khích, phát triển doanh nghiệp tư nhân, chuyển hướng mạnh mẽ sang mô hình kinh doanh sáng tạo.
Bình quân cứ 13 người dân thì có một người làm chủ doanh nghiệp; khối doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp hơn 40% GDP của tỉnh. Tháng 12/2016, Chiết Giang được lựa chọn là khu kinh tế thông tin kiểu mẫu đầu tiên của Trung Quốc, đi đầu trong phát triển các ngành công nghiệp dựa vào internet và chia sẻ dữ liệu thông tin.
Chiết Giang không chỉ được biết đến bởi phong cảnh nên thơ của Hàng Châu - một trong 10 thành phố đẹp nhất Trung Quốc, mà còn có nhiều đặc sản nổi tiếng, đó là tơ lụa Hàng Châu, chè Long Tỉnh, rượu Thiệu Hưng, quýt Hoàng Nham, đào Phụng Hoa Thủy…
Nhìn từ thành tựu phát triển của Chiết Giang có thể thấy rõ hơn quan điểm và chính sách phát triển của Đảng, Nhà nước Trung Quốc, trong đó nhấn mạnh vai trò dẫn dắt của sáng tạo, coi đây là động lực, là hạt nhân của quá trình phát triển; chú trọng cải thiện môi trường sinh thái; tăng cường phúc lợi dân sinh, kiên trì tư tưởng phát triển lấy nhân dân làm trung tâm…
Việc Trung Quốc cho phép mở Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại tỉnh Chiết Giang là một động thái tích cực của phía bạn trong việc khuyến khích và thúc đẩy hợp tác với Việt Nam.
* Hiện thực hóa những tiềm năng Từ Bắc Kinh đến Chiết Giang, qua các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với chính giới và doanh nhân, có thể nhận thấy sự tương đồng trong chính sách phát triển giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như tiềm năng to lớn của thị trường hơn 1,3 tỷ dân này. Đến nay, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới và Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng rất nhanh, năm 2016 đã tăng trưởng trên 24%, giúp Việt Nam không những tăng được giá trị xuất khẩu mà còn giảm mức độ nhập siêu với Trung Quốc, so với năm 2015 đã giảm được 14%.
Đóng hộp nhãn tiêu Huế xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tại cơ sở Ba Liêm, Cái Bè, Tiền Giang. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN |
Riêng về lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chia sẻ: Trung Quốc là một quốc gia sản xuất nông sản cũng như nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Nhưng Việt Nam có những nhóm sản phẩm bổ trợ mà Trung Quốc không có được, như nông sản nhiệt đới, hoặc nhóm nông sản có tính chất hỗ trợ thời vụ.
Trung Quốc vào mùa đông rất lạnh, khi đó nông sản Việt Nam có lợi thế. Năm 2016, giá trị nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này là 7 tỷ đô la, chiếm 22% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam và trong tương lai không xa có thể cán đích 10 tỷ đô la.
Tuy nhiên, để khai thác được tiềm năng của thị trường rộng lớn này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh việc tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, hiện đại, đó là hướng đi bền vững, tất yếu. Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng, nông sản của chúng ta không chỉ xuất đi Trung Quốc mà đi khắp thế giới.
Để đảm bảo phát triển bền vững và hiệu quả, không còn cách nào khác là phải tổ chức ngành hàng cho thật tốt, từ khâu sản xuất, chế biến và đặc biệt là trong thương mại. Bộ trưởng cho rằng, hai bên phải tiếp tục xúc tiến, bàn giải pháp tháo gỡ những rào cản, để hàng nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch (hiện nay chủ yếu đi theo đường tiểu ngạch).
Có như vậy, nông sản Việt Nam mới có giá trị cao và giảm thiểu rủi ro, trước mắt là tập trung vào một số ngành hàng thế mạnh như rau quả, gạo, thủy sản, thịt lợn, sữa... Tăng cường hợp tác cùng có lợi, đó là nhu cầu tất yếu của mỗi bên trong quá trình phát triển và hội nhập. Điều quan trọng là chúng ta phải tranh thủ được các cơ hội để thúc đẩy sản xuất trong nước, tiếp cận được khoa học công nghệ, vốn đầu tư, trên cơ sở đó sẽ tổ chức sản xuất trong nước tốt hơn.
Nhất trí cho rằng tiềm năng hợp tác Việt Nam - Trung Quốc còn rất lớn, nhưng để biến tiềm năng thành hiện thực, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, cần đẩy nhanh việc hoàn thiện các khung khổ pháp lý, môi trường hợp tác đầu tư; làm sâu sắc hơn một số khung khổ mang tính chiến lược về hợp tác mà hai nước cùng tham gia, trong đó cho phép cả Việt Nam và Trung Quốc đều phát huy được thế mạnh, giải phóng tiềm năng, kết nối với kinh tế khu vực và thế giới.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, điều quan trọng là phải tăng cường năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của các mặt hàng, sản phẩm của Việt Nam trên thị trường Trung Quốc; tạo khung khổ hợp tác để hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam với các dự án áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường.
Việc sử dụng nguồn lực của các doanh nghiệp Trung Quốc một cách chọn lọc sẽ giúp Việt Nam phát triển cả về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm xuất khẩu trong điều kiện hội nhập quốc tế, cũng như trong các dự án quan trọng phát triển hạ tầng giao thông, kinh tế…
Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế, xuất phát từ nhu cầu, với thiện chí và sự quan tâm thúc đẩy tích cực của cả hai bên, quan hệ hợp tác Việt – Trung sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới, vì lợi ích thiết thực và sự phát triển của mỗi quốc gia, vì cuộc sống tốt đẹp của nhân dân hai nước.