Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban pháp chế Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đang đối diện với những thách thức to lớn. Trong 8 tháng năm 2023, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường là 149,4 nghìn doanh nghiệp; trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới đạt 103.658 doanh nghiệp. Giá trị này tuy gấp 1,2 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tôi gia nhập thị trường giai đoạn 2018-2022, nhưng nếu so với cùng kỳ năm 2022 thì con số này vẫn giảm nhẹ khoảng 0,03%.
Đáng chú ý số doanh nghiệp rời khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường tăng đến 15,6% so với 8 tháng năm 2022 lên tới 124,7 nghìn doanh nghiệp. Con số 8 tháng của năm 2023 đã cao hơn tổng số doanh nghiệp rời khỏi thị trường cả năm của các năm từ 2018 đến 2021, gần bằng giá trị của cả năm 2022.
Điều này cho thấy "sức khỏe" của khu vực doanh nghiệp đáng báo động. Sức khoẻ của nền kinh tế và doanh nghiệp còn thể hiện qua một chỉ số khác là xuất nhập khẩu. Trong 8 tháng năm 2023, lần đầu tiên trong nhiều năm, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2022. Sự sụt giảm này thể hiện rõ ở các sản phẩm xuất khẩu như điện tử, may mặc, đồ gỗ đến thuỷ sản...
Trước tình hình này, ông Đậu Anh Tuấn kiến nghị một số giải pháp như: cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triền kinh tế đất nước; cải thiện tiếp cận nguồn lực phục vụ sản xuất kinh doanh theo hướng thuận lợi; tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh hiện còn khá cao, đang làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Cùng đó là, cải thiện chất lượng quy định pháp luật và thực thi pháp luật; tăng cường cơ chế hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp sản xuất nội địa và cải thiện tình trạng bất lợi của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước so với doanh nghiệp xuyên biên giới.
Từ thực tiễn của doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường, đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay, Việt Nam hiện không còn là quốc gia dệt may với lợi thế nhân công giá rẻ. Thay vào đó, việc đầu tư, công nghệ kỹ thuật mới sẽ giúp cải thiện năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, đáp ứng với yêu cầu mới của thị trường.
Tuy nhiên, hiện nay hoạt động đầu tư máy móc, công nghệ mới của các doanh nghiệp trong ngành còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mặt bằng chung công nghệ, máy móc trong ngành đều ở mức trung bình, số doanh nghiệp đạt trình độ khá còn rất ít, chưa ứng dụng được tự động hóa một cách rộng rãi. Do đó, năng suất lao động không vượt trội, trong khi thu nhập cao hơn dẫn đến chi phí lao động trên một sản phẩm cao hơn các đối thủ. Nhiều mặt hàng sợi, vải cao cấp chưa đủ khả năng sản xuất.
Trước thực tế này, đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam kiến nghị: để có thể khôi phục lại năng lực sản xuất, xuất khẩu và cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dệt may giai đoạn tới, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tâm xây dựng các nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp một cách toàn diện như gia hạn thời gian nộp thuế, tiền sử dụng đất; hạ lãi suất vay và điều kiện thực tế tiếp cần vốn; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng.
Cùng với đó, điều hành linh hoạt các giải pháp kinh tế - tài chính vĩ mô theo hướng có lợi cho hoạt động xuất khẩu để làm động lực thúc đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu như chính sách tiền tệ, chính sách thuế xuất khẩu, các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu như logistics.
Các bộ, ngành chức năng đồng hành cùng doanh nghiệp trong khai thác, mở rộng quan hệ, thị trường và khách hàng mới thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do và ký kết các biên bản hợp tác... Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang cần được hỗ trợ, đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới qua nguồn ngân sách Nhà nước hoặc các chương trình ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp.
Ngoài ra, xây dựng các chính sách khuyến khích sản xuất theo hướng xanh, bền vững như các gói hỗ trợ thuế đối với doanh nghiệp xanh, gói tín dụng ưu đãi cho công trình sản xuất xanh. Đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành dệt may, tăng tính liên kết để tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Từ đó, nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng của ngành dệt may, minh bạch hoá các khâu để phù hợp với yêu cầu của thị trường xuất khẩu.