Phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc bộ:

Hiện đại hóa xuất nhập khẩu qua nền tảng cửa khẩu số

Phát triển cửa khẩu số được tỉnh Lạng Sơn xác định là một trong năm trụ cột trong chuyển đổi số.

Tại hai cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh, nền tảng cửa khẩu số đang được ứng dụng thí điểm trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa bước đầu mang hiệu quả thiết thực, đúng với các mục tiêu là phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành; công khai, minh bạch; không làm phát sinh chi phí, thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục xuất nhập khẩu… mà UBND tỉnh Lạng Sơn đã đề ra.

Chú thích ảnh
Tất cả phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị được khai báo trực tuyến. 

Tạo bước đột phá

Sau thời gian thử nghiệm, giữa tháng 2/2022, tỉnh Lạng Sơn chính thức vận hành thí điểm nền tảng cửa khẩu số. Được cài đặt trên điện thoại thông minh, với nền tảng cửa khẩu số, tổ chức, cá nhân trước khi thực hiện vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị hoặc cửa khẩu Tân Thanh phải khai báo thông tin (mở tờ khai). Khi lái xe vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị hoặc cửa khẩu Tân Thanh bắt buộc phải mở định vị GPS và bật ứng dụng nền tảng cửa khẩu số được cài đặt trên điện thoại thông minh trong suốt quá trình vận chuyển; từ đó có thể tra cứu tình hình bến bãi, lưu lượng phương tiện vận chuyển cũng như các lệnh điều phối giao thông.

Với nền tảng cửa khẩu số, các lực lượng chức năng khu vực cửa khẩu, đặc biệt là Hải quan và Biên phòng sẽ chủ động, linh hoạt kiểm tra, đối chiếu, truy vấn, hồi đáp đối với các thủ tục mà doanh nghiệp và thương nhân đã khai báo từ xa, từ sớm; qua đó kịp thời hỗ trợ việc thông quan được nhanh chóng, thuận lợi.

Theo cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn, 100% xe hàng nhập khẩu và xuất khẩu qua hai cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Tân Thanh đã thực hiện khai báo trực tuyến trên nền tảng cửa khẩu số.

Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, nếu như trước kia mỗi ngày có hàng nghìn lượt doanh nghiệp, thương nhân, lái xe phải đến cửa khẩu để kê khai thủ tục xuất nhập khẩu trên giấy với nhiều công đoạn rườm rà, chưa kể các vướng mắc phát sinh phải “chạy đi, chạy lại” nhiều nơi. Giờ đây, họ đã không cần đến tận nơi để kê khai xuất nhập khẩu, bởi trên ứng dụng cửa khẩu số đã có sẵn tính năng này; doanh nghiệp chỉ mất khoảng từ 2 – 5 phút là có thể hoàn thành việc khai báo thông tin về hàng hóa, việc theo dõi hàng hóa, phương tiện đang ở đâu và đã được xử lý ra sao sẽ trở nên dễ dàng hơn. Dù còn phát sinh vướng mắc, song hầu hết doanh nghiệp đều đồng tình áp dụng nền tảng cửa khẩu số.

Ông Trần Văn Hưởng, Công ty cổ phần Vận tải Thái Việt Trung, Hà Nội phấn khởi nói: “Nền tảng cửa khẩu số trên điện thoại hoạt động khá tiện lợi, các doanh nghiệp đều kê khai dễ dàng. Tin rằng nền tảng này hoạt động sẽ trơn chu và mang lại hiệu quả tối ưu hơn cho cả doanh nghiệp và cơ quan nhà nước”.

Bà Trình Ngọc Hoa, Công ty TNHH Hoa Ngân LS, Lạng Sơn cho biết, cái tiện lợi nhất ở đây là các doanh nghiệp chỉ phải kê khai thông tin một lần và kê khai không cố định thời gian nên rất thuận tiện, hoạt động của cửa khẩu cũng được công khai, minh bạch. Ở khu vực cửa khẩu bây giờ cũng hạn chế được việc tụ tập đông người để đợi nhập dữ liệu, kê khai giấy tờ, từ đó giảm thiểu được thời gian phát sinh cũng như ngăn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Hiệu quả bước đầu

Chú thích ảnh
Doanh nghiệp, lái xe được hướng dẫn khai báo hải quan khi vào cửa khẩu Tân Thanh. 

Ước tính, hiện nay tại khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh có khoảng trên 2.000 doanh nghiệp hoạt động; từ khi triển khai Nền tảng cửa khẩu số đến nay, các doanh nghiệp đã hoàn thành khai báo thông tin trực tuyến và xử lý khoảng 30.000 phương tiện xuất nhập khẩu hàng hóa.

Để tạo thuận lợi nhất cho các chủ hàng, doanh nghiệp, tại các khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh đều bố trí lực lượng hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đại lý hải quan để sẵn sàng xử lý ngay những vấn đề phát sinh. UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã thành lập Tổ công tác liên ngành kịp thời chỉ đạo xử lý vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện thí điểm Nền tảng cửa khẩu số, để hoạt động xuất nhập khẩu được thông suốt và không bị ách tắc.

Thượng úy Đồng Đình Yên, Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng Đồn Biên phòng Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn cho biết, các cán bộ chiến sỹ trong đơn vị được phân công những công việc cụ thể, chia ca kíp trực, hướng dẫn lái xe, doanh nghiệp trong khu vực bến bãi cũng như khu vực xuất nhập khẩu hàng hóa. Lực lượng biên phòng luôn quyết tâm và đồng hành cùng các lực lượng chức năng khác tại cửa khẩu để hướng dẫn doanh nghiệp, lái xe đăng ký, sử dụng nền tảng cửa khẩu số.

Việc số hóa hoàn toàn các thông tin khai báo của doanh nghiệp trước khi hàng hóa đến cửa khẩu, thay thế tờ khai bằng giấy đã giảm thiểu tối đa chi phí và thời gian cho doanh nghiệp. Đặc biệt, khi số hóa thông tin, công chức Hải quan cũng như công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị tại cửa khẩu chỉ phải thực hiện kiểm tra, xác nhận đăng ký, xác nhận phương tiện thực tế vào cửa khẩu và phương tiện vào địa điểm tập kết hàng hóa.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Trần Văn Nghĩa cho hay, tổ triển khai cửa khẩu số tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị sẽ tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp, tổ chức trong hoạt động xuất nhập khẩu thông qua nền tảng cửa khẩu số; từ đó đưa nền tảng cửa khẩu số vào hoạt động hiệu quả.

Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, trong năm 2022, tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu 100% doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu nghị và cửa khẩu Tân Thanh sử dụng nền tảng cửa khẩu số; 100% các cơ quan, đơn vị có liên quan sử dụng nền tảng cửa khẩu số trong quản lý số lượng người, phương tiện, hàng hóa luân chuyển qua cửa khẩu; 100% các hoạt động kiểm tra, giám sát của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành liên quan sử dụng nền tảng cửa khẩu số; hàng hóa được thông quan, xuất nhập khẩu qua điều khiển barie tự động.

Ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh, thời gian tới Lạng Sơn tiếp tục xây dựng nền tảng cửa khẩu số thông minh để quản lý tổng thể và toàn diện hoạt động xuất nhập khẩu, cải cách hành chính, tự động hóa quy trình, giảm thiểu thời gian cho doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu; đồng bộ việc quản lý, kiểm tra, giám sát giữa dòng chảy dữ liệu và dòng chảy vật chất về phương tiện, hàng hóa. Đồng thời, áp dụng các công nghệ số hiện đại như AI, Bigdata, Cloud; xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, kết nối, chia sẻ dữ liệu qua trục liên thông, tích hợp chia sẻ dữ liệu của tỉnh… tiến tới hình thành chuỗi cửa khẩu thông minh, hiện đại.

Bài và ảnh: Nguyễn Quang Duy (TTXVN)
Xuất nhập khẩu nông sản qua cửa khẩu Lào Cai vẫn gặp khó
Xuất nhập khẩu nông sản qua cửa khẩu Lào Cai vẫn gặp khó

Mặc dù cửa khẩu Lào Cai đã được thông thương trở lại từ đầu tháng 4/2022 nhưng nhiều mặt hàng nông sản xuất nhập khẩu qua đây vẫn gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN