Tại buổi làm việc, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang cho rằng, việc giải ngân vốn đầu tư công trong lĩnh vực nông nghiệp chậm là do công tác phối hợp giữa các đơn vị có liên quan về thực hiện các trình tự thủ tục chưa chặt chẽ. Việc lựa chọn nhà thầu, đơn vị thi công chưa kỹ lưỡng nên dẫn đến tiến độ thi công chậm và nghiêm khắc phê bình các đơn vị có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong lĩnh vực nông nghiệp đạt thấp.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị, các đơn vị sớm có giải pháp khắc phục những mặt hạn chế để đảm bảo đến cuối năm, công tác giải ngân vốn đạt theo yêu cầu. Đối với đề xuất của các đơn vị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất giữ lại những công trình, dự án đã tổ chức đấu thầu nhưng không đảm bảo đạt tiến độ giải ngân vốn trên 60% đến ngày 30/8. Riêng những công trình, dự án phát sinh mà có khối lượng thực hiện thì cho giải ngân tiếp theo giá trị, còn những công trình, dự án chưa thi công thì Sở Tài chính tỉnh tổ chức thu hồi vốn.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang, tổng kế hoạch vốn đầu tư công được giao trong xây dựng cơ bản thuộc lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh trong năm 2020 là trên 492,5 tỷ đồng.
Hiện tại, tiến độ giải ngân là trên 220,8 tỷ đồng, đạt 44,83% kế hoạch; trong đó, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giải ngân đạt 68,46%. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh giải ngân đạt 52,38%. Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang giải ngân đạt 16%. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh giải ngân đạt 6%.
Đối với trên 86,8 tỷ đồng vốn kéo dài từ năm 2019, giá trị giải ngân hiện chỉ đạt 39,07% kế hoạch; trong đó, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giải ngân đạt 64%. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh giải ngân đạt 37,8%. Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang giải ngân đạt 99%. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh giải ngân đạt 32,85%.
Nguyên nhân của việc thực hiện và giải ngân vốn chậm do trình tự, thủ tục trong đầu tư xây dựng kéo dài thời gian. Một số dự án vướng mắc về thủ tục đất đai, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn. Từ đó, ảnh hưởng đến tiến độ giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Sự chỉ đạo của chủ đầu tư còn chưa quyết liệt, công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương với chủ đầu tư chưa tốt.
Bên cạnh đó, năng lực nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu, tiến độ thi công chậm; công tác tổ chức nghiệm thu, thanh toán còn kéo dài thời gian; một số dự án mới triển khai thi công khoảng từ 50-60% nên chưa đủ khối lượng để thanh toán hết kế hoạch năm.
Từ những khó khăn trên, các đơn vị đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét những công trình đã tổ chức đấu thầu mà đến 30/8 tới không đảm bảo giải ngân vốn đạt hơn 60% thì vẫn cho phép kéo dài thêm thời gian thực hiện chứ không thu hồi vốn.