Loay hoay tìm... đường ra
Theo ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC), khu vực thị trường ASEAN có khoảng 600 triệu dân, sau khi AEC hình thành đã giúp tăng cường hợp tác, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua hình thức tự do luân chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, cắt giảm thuế quan… Sau 3 năm thành lập AEC, hàng hóa các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam khá nhiều.
Hiện nay, rất nhiều mặt hàng của các nước trong khu vực chủ động chiếm lĩnh thị trường Việt Nam tại các trung tâm thương mại, siêu thị và chợ truyền thống. Tại TP Hồ Chí Minh, con số nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN cao hơn 2,6 lần so với xuất khẩu. Điều này cho thấy, nhập siêu từ ASEAN rất đáng lo ngại, trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn loay hoay với bài toán đầu ra của mình.
Một doanh nghiệp thủy sản tại tỉnh Sóc Trăng cho biết, doanh nghiệp ông đang chế biến mặt hàng khô cá dứa cùng một số sản phẩm thuỷ sản khác, nhưng doanh nghiệp vẫn đang loay hoay tìm đầu ra khi thâm nhập thị trường ASEAN. Bởi doanh nghiệp không biết bắt đầu từ đâu, chưa biết xuất khẩu vào thị trường nào của ASEAN sẽ phù hợp.
Trong khi đó, một doanh nghiệp chuyên sản xuất túi vải thân thiện môi trường cũng chia sẻ, khi tham gia vào thị trường ASEAN rất rộng lớn, điều khiến ông băn khoăn là khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt với các doanh nghiệp Trung Quốc. Ngoài ra, làm sao để nhận diện trên mỗi thị trường trong khu vực đâu là thị trường mục tiêu, khách hàng mục tiêu nhằm tăng hiệu quả kinh doanh, tránh mất thời cơ cũng như giảm thiểu rủi ro của doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay, sau 3 năm thành lập AEC, doanh nghiệp Việt biết AEC chiếm khoảng 50%, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp biết rõ và tìm hiểu thị trường lại rất ít. Đây chính là lý do mà hàng Việt vào thị trường này ở mức thấp.
“AEC là thị trường chung không biên giới nhưng Việt Nam không tận dụng được nhiều. Thật đáng tiếc vì Việt Nam xuất khẩu vào ASEAN hiện tại thấp nhất so với các nước khác trong khu vực. 100% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu trên thế giới thì chỉ có 9,8% vào thị trường ASEAN. Trong khi đó, tỷ lệ xuất khẩu trung bình của các nước ASEAN vào nội khối là 24%”, bà Tuệ Anh chia sẻ.
Chậm chân sẽ mất thị trường
Hiện nay, do cơ cấu hàng hóa khá tương đồng trong khu vực ASEAN nên doanh nghiệp Việt phải cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt là các ngành được bảo hộ. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp Việt cũng đang tỏ ra lo lắng khi hàng hóa các nước "đổ bộ" vào Việt Nam quá nhanh.
Đại diện một doanh nghiệp chuyên sản xuất gia vị tại TP Hồ Chí Minh cho hay, doanh nghiệp các nước bạn quá nhạy bén, trong khi đó doanh nghiệp trong nước chưa tìm hiểu thị trường nước bạn xem như thế nào thì hàng hóa của họ đã ồ ạt đổ vào thị trường Việt Nam. Doanh nghiệp Việt nếu cứ chậm chân, sẽ có nguy cơ mất hết thị trường nội địa trong thời gian không xa.
Trong khi đó, ông Phạm Thiết Hòa cũng cho rằng, đối với doanh nghiệp Việt hiện nay, việc hiểu được nhu cầu người tiêu dùng là yếu tố rất quan trọng khi thâm nhập thị trường nào đó của ASEAN. Vì vậy, doanh nghiệp Việt cần thực hiện khảo sát thị trường cùng một đơn vị hỗ trợ khác của nhà nước, doanh nghiệp, đơn vị tương đương. Bởi một mình doanh nghiệp sẽ rất khó tiếp cận với cơ quan chức năng nước sở tại và hệ thống phân phối lớn ở nước ngoài để có những thông tin chính xác.
Trong khi đó, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, cho biết doanh nghiệp cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động, sáng tạo, không ngừng tự đổi mới, xây dựng chiến lược kinh doanh cụ thể để thâm nhập vào các thị trường này. Trong đó, chiến lược kinh doanh cần theo sát xu hướng tiêu dùng của người dân mỗi nước ASEAN, liên kết với nhà phân phối nội địa uy tín, có năng lực… Bởi thực tiễn cho thấy, sản phẩm của mỗi nước, mỗi doanh nghiệp đều nằm trong chuỗi giá trị của khu vực hay chuỗi giá trị của toàn cầu.
Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, từ năm 2015 đến 2017, lượng hàng hóa từ TP Hồ Chí Minh xuất khẩu vào ASEAN đều tăng. Cụ thể, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,31 tỷ USD, tăng 13% so với 2015; năm 2017, kim ngạch đạt 3,47 tỷ USD, tăng 4% so với 2016.
Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam vào AEC có tăng nhưng không tăng đột biến sau khi AEC được thành lập. Cụ thể năm 2014, mức kim ngạch xuất khẩu đã cao hơn cả năm 2015 và gần bằng năm 2016, đạt 3,24 tỷ USD.