Để chuẩn bị đủ lượng hàng cung ứng, từ 3 tháng trước doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch sản xuất và lượng hàng dự trữ. Hiện tại, bên cạnh các nhà máy, cơ sở sản xuất đang vận hành hết tốc lực, tại hệ thống phân phối, siêu thị hàng Tết đã ngập tràn quầy kệ và kho chứa. Điều đáng mừng, qua từng năm, lượng hàng Việt ngày càng chiếm ưu thế và là sự ưu tiên của người tiêu dùng trong giỏ mua sắm.
Nguồn cung dồi dào
Nhận định từ các chuyên gia thương mại, đây là cái Tết đầu tiên sau thời gian dài dịch COVID-19, vì vậy, sức mua sẽ khả quan và có xu hướng tăng mạnh so với hai năm trước đó. Chính vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất thủy, hải sản chế biến, bánh kẹo, nước ngọt, nước giải khát... đều đặt mục tiêu sản lượng, doanh số cao.
Cùng đó, các công ty sản xuất, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm cũng đã hoàn tất khâu chuẩn bị tại trại chăn nuôi và trại liên kết để bảo đảm nguồn hàng cung cấp cho thị trường.
Ông Phạm Ngọc Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) cho biết, trước sức cầu cao của mùa Tết, Doveco đã tăng gấp đôi công suất sản xuất và dồn lực mạnh hơn khi nhu cầu trong nước ngày càng gia tăng.
Trước kia, các sản phẩm bán tại thị trường nội địa của Doveco chủ yếu là nông sản đóng hộp như dưa chuột bao tử, ngô ngọt, giờ được mở rộng thêm nhiều loại như nước ép trái cây đóng lon, nước quả cô đặc, sản phẩm đông lạnh…
Tương tự, ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vissan chia sẻ, công ty dự kiến tổng giá trị hàng hóa cho cao điểm Tết đạt trên 710 tỷ đồng. Theo đó, sản lượng cung cấp ra thị trường là 2.050 tấn thực phẩm tươi sống; 4.150 tấn thực phẩm chế biến, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2021.
Đặc biệt, trong các ngày 28, 29 và 30 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Vissan có chương trình khuyến mãi giảm giá sốc để tạo điều kiện cho người lao động chưa có điều kiện mua sắm Tết có cơ hội thưởng thức hàng Việt chất lượng an toàn.
Theo ông Vương Trọng Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội, Công ty sẽ đưa ra thị trường 400 - 450 tấn sản phẩm, mặt hàng chủ yếu là sản phẩm bánh và mứt truyền thống.
“Mặc dù giá đầu vào nguyên liệu tăng hơn so với mọi năm nhưng công ty đang nỗ lực tìm giải pháp để đưa ra thị trường các sản phẩm với giá cả phù hợp nhất trong dịp Tết Nguyên đán 2023”, ông Vương Trọng Tuấn chia sẻ.
Ngoài ra, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm đón năm mới Tết Quý Mão 2023, Mondelez Kinh Đô đã đưa ra thị trường 38 bộ sản phẩm Tết đặc biệt với chất lượng cao cấp, bao bì ấn tượng và hương vị đặc trưng của các thương hiệu được yêu thích như: Cosy, AFC, Oreo, Solite, LU, Cadbury, Slide…
Hơn nữa, để phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng, Mondelez Kinh Đô đưa sản phẩm Tết tới gần 200.000 điểm bán hàng trên cả nước cùng với việc trang trí bắt mắt trong cửa hàng và trên nền tảng thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiki, Bách Hóa Xanh online, Big C online.
Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, năm 2022, kinh tế Thủ đô được phục hồi, ổn định, đời sống người dân được cải thiện, nên dịp cuối năm nay và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhu cầu mua sắm sẽ tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Ước tính tổng giá trị hàng hóa trên địa bàn Thủ đô đạt khoảng 39.500 tỷ đồng, tăng 15% so với Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Do vậy, Sở Công Thương đã chỉ đạo các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp các mặt hàng phục vụ Tết có kế hoạch sản xuất bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng tối thiểu ít nhất 30% ngoài kế hoạch của thành phố giao.
Cùng với đó, các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa thiết yếu phải có kế hoạch khai thác nguồn hàng hợp lý, giá cả ổn định và bảo đảm việc phòng, chống dịch phục vụ nhân dân; tổ chức triển khai các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng.
Hơn nữa, Thành phố cũng sẽ triển khai tổ chức các điểm bán hàng, bán hàng phục vụ Tết tại các huyện, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực nông thôn; triển khai các sự kiện thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… giúp doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, đồng thời bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho Thủ đô.
Kiểm soát chất lượng
Hiện nay, tại các hệ thống phân phối lớn cũng như siêu thị bán lẻ trong nước đều coi trọng các nhà cung ứng nội địa. Điều này thể hiện qua sự xuất hiện của lượng hàng Việt chiếm từ 80-90% trên kệ hàng, đặc biệt là sự góp mặt của hầu hết các nhãn hàng trong giỏ quà Tết.
Theo đại diện siêu thị MM Mega Market Việt Nam, nhiều năm nay, hàng hóa sản xuất trong nước luôn được đơn vị lựa chọn đưa vào giỏ quà, đáp ứng đủ mọi phân khúc tiêu dùng mà vẫn đảm bảo được sự trang trọng cũng như tính tiêu dùng cao.
Đáng lưu ý, dịp Tết 2023, MM Mega Market Việt Nam có kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng khoảng 20-30% so với Tết 2022 và tăng 40 - 50% so với những tháng bình thường. Nguồn hàng lớn được cung cấp từ các doanh nghiệp trong nước.
Để hỗ trợ người tiêu dùng sau đại dịch, ứng phó với việc giá cả tăng đột biến, ông Lê Văn Liêm - Giám đốc Saigon Co.op miền Bắc (đơn vị quản lý chuỗi Co.op Mart) khẳng định, đơn vị đã lên kế hoạch làm việc với nhiều nhà cung cấp, đảm bảo nguồn cung ổn định.
Bởi vậy, nguồn hàng hóa dự kiến tăng 10-15% được tập trung tại 7 kho trung tâm với tổng giá trị hàng hóa tồn kho là 10.000 tỷ đồng. Đặc biệt, hệ thống Co.op Mart cũng đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi và kích cầu mua sắm trên cơ sở phối hợp nhà cung cấp để có giá tốt, kích cầu mua sắm cuối năm cho người tiêu dùng.
Chương trình này sẽ được thực hiện dài hơi từ cuối tháng 11 đến 21/1/2023 tại 800 điểm bán tại 43 tỉnh thành. Ngoài ra, Co.op Mart cũng tổ chức bán hàng lưu động, tổ chức hàng trăm chuyến hàng ở vùng sâu vùng xa, hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ người dân với giá hợp lý.
Bà Nguyễn Thị Phương - Phó Tổng Giám đốc thường trực WinCommerce (quản lý chuỗi Winmart) cho biết, để đáp ứng nhu cầu thị trường, Winmart đã mở rộng hệ thống ra khu vực nông thôn, có giải pháp để vận chuyển và các hoạt động logistics, giao hàng tập trung để giảm giá thành.
Ngoài ra, đơn vị cũng đã làm việc với hơn 300 nhà cung cấp để tăng sản lượng nguồn hàng, thực hiện các chương trình bình ổn giá, đảm bảo cung ứng hàng hóa trên toàn hệ thống.
Ông Nguyễn Văn Tưởng, Giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần Thương mại Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) cho biết, với 200 lao động tại doanh nghiệp, Công ty đã đặt hàng nhà bán lẻ cung ứng giỏ quà Tết 2023 với đa dạng sản phẩm thiết yếu từ thịt, thủy sản, thực phẩm chế biến sẵn, trái cây tươi, mỳ, miến, bánh kẹo… để làm quà tặng. Bởi trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, việc tăng tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước sẽ góp phần giúp doanh nghiệp cùng nhau phát triển và quảng bá hàng Việt mạnh hơn.
Theo báo cáo của các địa phương, việc dự trữ chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán đã triển khai với lượng tăng khoảng 10 - 12% so với cùng kỳ năm trước và tập trung chủ yếu đối với một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống/thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường...
Do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên giá các mặt hàng thiết yếu năm nay tăng nhẹ so với năm trước. Đặc biệt, người dân bắt đầu "mạnh tay" với việc chi tiêu cho mua sắm Tết, ước nhu cầu sẽ tăng khoảng 8 - 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng đặc sản vùng miền, hàng hóa chất lượng cao vẫn được người dân quan tâm mua sắm và tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) gần đây hàng hóa từ các tuyến về rất nhiều và tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra. Đáng lưu ý, hàng hoá này không tiêu thụ ở thành phố lớn mà tuồn về các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Do đó, để giữ ổn định thị trường, Tổng cục sẽ tập trung lực lượng để ngăn chặn hàng kém chất lượng vào thị trường trong dịp Tết nhưng hệ thống phân phối cũng cần nêu cao trách nhiệm, cung ứng hàng có chất lượng.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, việc điều hành giá cả, quản lý thị trường là nhiệm vụ của các cấp ngành và địa phương. Vì vậy, các bộ ngành liên quan cần đẩy mạnh sản xuất sản phẩm đạt chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
Ngoài ra, phải đảm bảo cân đối cung cầu, kiểm soát giá cả hàng hóa, xử lý nghiêm hành vi vi phạm về giá, triển khai chương trình bình ổn thị trường, kiểm soát giá để người dân yên tâm đón Tết an vui.