Nông dân điêu đứng
Theo kế hoạch, năm 2019, toàn tỉnh sẽ trồng 2.600 ha khoai lang; trong đó vụ Đông Xuân là 900 ha. Thế nhưng, đến thời điểm này, đã có 1.330 ha khoai lang được trồng, vượt 47% so với kế hoạch của vụ; trong đó, Phú Thiện là địa phương trồng nhiều nhất, với gần 700ha, tiếp theo là Krông Pa (hơn 300 ha) và Chư Pưh (hơn 200ha).
Trên thực tế, gần 700ha khoai lang tại huyện Phú Thiện đa số được trồng trên đất canh tác lúa, hoàn toàn tự phát, không nằm trong kế hoạch. Điều này dẫn đến cung vượt cầu, giá khoai sụt giảm, thậm chí không có người đến thu mua.
Năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Hương (trú thôn Phù Tiên, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) đầu tư trên 400 triệu đồng, trồng 7 ha khoai lang. Thông thường, khoai lang sẽ cho thu hoạch sau 4 tháng trồng, thế nhưng, vườn khoai của gia đình bà Hương đã 5 tháng, không có người đến mua. Giờ đây, gia đình bà như “ngồi trên đống lửa”, bởi không biết số tiền vay mượn để trồng khoai sẽ trả như thế nào.
“Tôi có liên hệ với rất nhiều thương lái, kể cả những thương lái đã thu mua khoai của gia đình ở mùa vụ trước, nhưng đều từ chối. Họ nói là hiện nay thị trường đang tiêu thụ rất chậm nên không thể thu mua”, bà Hương buồn rầu nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, thời điểm tháng 12/2018, giá khoai lang ở mức cao, từ 12.000 – 12.500 đồng/kg. Thế nhưng, sau Tết Nguyên đán, giá khoai dần đi xuống, đến nay chỉ còn ở mức 3.000 đồng/kg loại 1 (loại khoai củ to, tròn, mẫu mã đẹp) và chỉ 500 – 1.000 đồng với khoai loại 2.
“Bà con đầu tư 1 sào từ 5 – 6 triệu đồng, gia đình tôi đầu tư 2 sào rưỡi khoảng 12,5 triệu đồng, mà thu hoạch được 2 triệu đồng thôi, gọi là vừa đủ tiền công thu hoạch. Lỗ nhưng có thương lái về mua là mừng lắm rồi. Chưa bao giờ, chúng tôi lại khó khăn như vụ khoai Đông Xuân này”, ông Phạm Khắc Dũng, trú thôn Kinh Môn, xã Chư A Thai chia sẻ.
Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên, nông dân tại huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai gặp khó với cây khoai lang, bởi ở nửa cuối mùa vụ 2017 – 2018, tình trạng khoai trượt giá và không có người thu mua cũng đã xảy ra. Thế nhưng, khi phóng viên đặt câu hỏi vì sao vẫn tiếp tục trồng khoai lang, bà Nguyễn Thị Hương cho biết, một vụ lúa, mỗi hécta cho lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng, trong khi trồng khoai lang, nếu giá ở mức 6.000 đồng/kg, thì lợi nhuận cũng gấp 3 lần so với lúa. Thậm chí, nếu khoai bán được ở mức giá 12.000 đồng/kg, lợi nhuận sẽ gấp 10 lần so với cây lúa. Chính vì vậy, dù không chắc chắn về đầu ra, người nông dân vẫn mạo hiểm để trồng khoai lang.
Ông Siu Tinh, Phó Chủ tịch UBND xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện cho biết, khoảng 2 đến 3 năm trước, trên địa bàn xã chỉ có một vài hộ trồng khoai lang trên diện tích nhỏ. Tuy nhiên, thời điểm đó khoai được giá, nên những hộ trồng khoai có lợi nhuận cao. Thấy vậy, bà con ồ ạt mở rộng diện tích, bất chấp những rủi ro mà loại cây trồng này có thể mang lại.
“Vụ khoai trước, cũng xảy ra tình trạng tới vụ nhưng thu mua chậm, chính quyền địa phương cũng vận động bà con nên hạn chế trồng, tập trung vào trồng các loại cây mang tính ổn định. Tuy nhiên, bà con lại theo phong trào, vì đầu vụ thu giá rất cao, nhưng đến cuối vụ, đặc biệt là sau Tết Nguyên đán, thương lái mua rất chậm, thậm chí không bán được. Vừa rồi chính quyền xã cũng đã thông tin cho bà con, nhưng việc trồng khoai do bà con tự phát, không kiểm soát được”, ông Siu Tinh cho biết thêm.
Gỡ khó cách nào?
Theo ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, sau khi nhận được phản ánh của người dân, Sở đã trực tiếp liên hệ với các doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh để gỡ khó cho nông dân. Tuy nhiên, việc tìm doanh nghiệp tiêu thụ hiện nay gặp nhiều khó khăn, do lượng khoai lang phát sinh, không nằm trong kế hoạch hoặc vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp.
“Sở đã liên hệ với Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, song đơn vị này cho biết họ không có kế hoạch thu mua khoai lang. Sau đó, chúng tôi làm việc với Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, sau khi nắm qua tình hình, công ty cho biết sẽ cử người đến huyện Phú Thiện để kiểm tra và sẽ có kế hoạch thu mua khoai cho người nông dân”, ông Có thông tin thêm.
Cũng theo ông Đoàn Ngọc Có, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo cho Chi cục Quản lý Chất lượng Nông, lâm nghiệp và Thủy sản liên kết với Ban An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng nhằm kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu thu mua khoai lang để tháo gỡ đầu ra cho nông dân.
“Khoai lang ở Gia Lai chủ yếu xuất đi Trung Quốc. Thế nhưng, bắt đầu từ năm 2019, thị trường này trở nên khó tính hơn, đòi hỏi khắt khe, khoai phải có độ đồng đều cao, bảo đảm an toàn thực phẩm và có truy xuất nguồn gốc. Khoai lang ở Gia Lai lại đa phần sản xuất theo quy mô hộ gia đình nên mẫu mã, chất lượng, độ đồng đều chưa cao, khiến cho giá mua thấp và sản lượng xuất sang Trung Quốc cũng giảm đi”, ông Đoàn Ngọc Có phân tích.
Để tháo gỡ những khó khăn này, trong năm 2018 và hai tháng đầu năm 2019, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và khuyến cáo đối với các địa phương và người dân cần phát triển sản xuất theo hướng liên kết. Khi đó, theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, các sản phẩm nông nghiệp sẽ có độ đồng đều cao, chất lượng sản phẩm tốt hơn, có truy xuất nguồn gốc, đảm bảo đúng yêu cầu của các thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
“Cùng với đó, nông dân nên tập trung phát triển trồng trọt các loại cây nông nghiệp gắn với các nhà máy chế biến, với các doanh nghiệp hoặc đơn vị thu mua, nhưng tốt nhất vẫn là liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tiến tới sản phẩm nông nghiệp gắn với nhãn hiệu hàng hóa. Riêng ngành nông nghiệp, ngoài tuyên truyền, chúng tôi cũng sẽ tập trung thu hút đầu tư doanh nghiệp chế biến nông sản về địa phương, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân, tránh tình trạng sản xuất ra nhưng không bán được như hiện nay”, ông Đoàn Ngọc Có nhấn mạnh.