Cây khoai mài hay còn gọi là Hoài sơn, là loại thực phẩm, dược liệu có giá trị cao. Trước đây, một số người dân tại Bà Rịa-Vũng Tàu lên rừng tìm và khai thác khoai mài dại từ thiên nhiên là chủ yếu.
Theo ông Thiềm Văn Dễ, ấp Tân Hội, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ, cách đây 8 năm ông là người đầu tiên trồng thử nghiệm mô hình trồng cây khoai mài trên diện tích 600m2 đất cát của gia đình.
Ông Dễ chia sẻ, những năm đầu lấy giống về trồng do chưa có kinh nghiệm, việc trồng khoai mài không đúng mùa vụ nên khoai không lên, rồi cũng do chưa có kinh nghiệm nên sau khi đã khai thác xong khoai mài ông không biết để tưới nước cho khoai lên theo ý muốn.
Vậy nên cứ để khoai lên tự nhiên đến khi thu hoạch thì thu hoạch ồ ạt nên giá xuống thấp. Có 8 năm trồng khoai mài thì ông mất 4 năm mới có thể đúc rút được kinh nghiệm và vườn khoai mài mới cho thu hoạch ổn định.
Ông Dễ cho biết, sau một thời gian trồng khoai mài đã giúp ông nắm bắt được đặc tính của cây nên việc chăm sóc lại cực kỳ dễ dàng. Hiện nay, ông áp dụng phương pháp tưới nước để khoai mài lên theo ý muốn vào tầm tháng Giêng hàng năm và thu hoạch rải vụ từ tháng 7 đến hết tháng 11.
Do đó, giá khoai mài có đạt mức khá cao, từ 90.000 đồng đến 100.000 đồng/kg. Hiện nay, gia đình ông đang trồng 1.500 hố khoai mài, khoai mài của gia đình ông thường đào theo đơn đặt hàng của các nhà hàng, thương lái nên đầu ra rất ổn định. Hàng năm, sau khi trừ chi phí ông thu lời từ 80 triệu đến 100 triệu đồng.
Ông Thiềm Văn Giảo, ấp Tân Hội, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ cho biết, loại củ này có giá khá cao, trước đây từ 60.000 đến 80.000 đồng/kg, nguồn tiêu thụ ổn định. Tuy nhiên, do đào tự nhiên nên bữa có bữa không, chất lượng cũng không ổn định.
Năm 2013, ông cùng em trai quyết định làm trụ, giàn lưới, trồng loại cây này trên vùng đất cát địa phương. Đến nay, ông Giảo đã trồng khoai mài trên diện tích 600m2, với gần 2.000 hố khoai mài. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm đem lại cho gia đình ông thu nhập trên 100 triệu đồng.
Trồng khoai mài từ năm 2015, anh Nguyễn Văn Tính, ấp Hội Mỹ, xã Phước Hội cho biết, sản phẩm trồng được tiêu thụ khá nhanh. Người mua chủ yếu là các thương lái trong vùng, sau đó họ sẽ cung cấp cho các nhà hàng tại thành phố Bà Rịa, thành phố Vũng Tàu. Từ củ của loại cây này chế biến được nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng như cháo củ mài, canh củ mài hầm xương.
Bên cạnh đó, trong đông y, củ khoai mài được xem là một vị thuốc quý, có tác dụng chống lão hóa, trị suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể nên được thực khách nhiều nơi ưa chuộng. Với 1.000 m2, anh Tính làm 200 trụ với khoảng 3.000 hố khoai (1 hố từ 2 đến 3 củ).
Anh Nguyễn Văn Tính cũng cho biết, trước đây trên đất cát của gia đình, anh chỉ trồng được một số loại cây như mãng cầu, và một số loại rau quả. Tuy nhiên, mỗi năm thu được chưa đến 30 triệu đồng.
Trong khi đó, từ khi chuyển sang trồng khoai mài, với khoảng 2.000 hố khoai, trung bình thu được 1kg khoai/hố, anh thu hơn 100 triệu đồng/năm. Năm sau thu nhập sẽ cao hơn do không cần mua giống, trụ và giàn lưới.
Hiện nay, nhiều hộ trên địa bàn xã đã tới nhờ anh cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật, mở rộng diện tích trồng khoai mài.
Theo ông Châu Văn Trung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ, hiện nay, trên địa bàn xã có 28 hộ của 2 ấp Tân Hội và Hội Mỹ tham gia trồng khoai mài với diện tích 6.350m2.
Thời gian qua, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã khảo sát và đánh giá quá trình canh tác trồng dây khoai mài để tiến hành thành lập tổ liên kết trồng dây khoai mài và tiến hành đăng ký nhãn hiệu khoai mài Phước Hội.