Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, thiệt hại ước tính hơn 65 tỷ đồng. Các địa phương chịu thiệt hại nặng là huyện Lệ Thủy hơn 1.300 ha, huyện Quảng Ninh trên 1.100 ha, huyện Quảng Trạch khoảng 300 ha...
Tại huyện Quảng Ninh, những ngày cuối tháng 4, mưa kèm gió lớn đã khiến khoảng 1.100 ha lúa sắp thu hoạch bị gãy đổ, thiệt hại ước tính hơn 22 tỷ đồng. Cá biệt, tại thôn xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh xuất hiện mưa đá kéo dài khoảng 5 phút với kích thước đo được từ 12 - 15mm.
Theo ông Nguyễn Hữu Lương - Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh, khoảng 36 ha lúa bị đổ rạp, một số diện tích hoa màu bị hư hại, gây thiệt hại lớn.
Anh Nguyễn Văn Thắng, xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh cho biết, gia đình anh có hơn 7 sào lúa, từ đầu mùa đến nay, thời tiết rất thuận lợi, cây lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Nhưng thiên tai đã làm toàn bộ lúa của gia đình anh và nhiều hộ trong thôn bị đổ rạp. Để hạn chế lúa nảy mầm, nhiều gia đình đã phải gặt khi lúa còn xanh, vì thế năng suất giảm 30 - 50%, chỉ đạt 2 - 2,5 tạ thóc/sào. Lúa đổ rạp cũng kéo theo chi phí cho máy gặt tăng lên 50 - 70%, tới 150.000 - 200.000 đồng/sào. Một số gia đình có lúa bị đổ không thể cắt bằng máy phải thuê người cắt thủ công thì gần như “trắng tay”.
Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” tránh để lúa nẩy mầm, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân: đối với những diện tích lúa bị đổ có tỷ lệ hạt chín trên bông lớn hơn 85%, nông dân cần tiến hành thu hoạch sớm; đối với diện tích lúa giai đoạn trổ chắc xanh cần tháo cạn nước trong ruộng.
Vụ Đông Xuân 2019-2020, toàn tỉnh Quảng Bình gieo trồng hơn 29.000 ha lúa; trong đó, các loại giống có năng suất và chất lượng, thời gian sinh trưởng ngắn như QS447, QS88, HN6... được ưu tiên lựa chọn thay dần các giống thoái hóa nhiễm sâu bệnh như X21, Xi23, VN20…