Hàng không Việt thích ứng ra sao từ ảnh hưởng của dịch COVID-19?

Nhằm đánh giá những khó khăn, vướng mắc, những cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của ngành hàng không dưới tác động của dịch COVID-19, ngày 26/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) phối hợp với Viện Kinh tế - Xã hội và Công nghệ (SETI) tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Vượt qua khủng hoảng, phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam”.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Hoàng Hà/TTXVN phát

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn đánh giá, tại Việt Nam với chủ trương phòng chống dịch của Chính phủ của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 là “phải hy sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo sức khỏe cho người dân”, nên các hoạt động vận tải hàng không trong nhiều tháng đã phải hy sinh quyền lợi chính đáng là được vận chuyển hành khách để phục vụ cho chủ trương “giãn cách xã hội”, “khoanh vùng dập dịch” nên dừng vận chuyển hành khách.

Trong hoàn cảnh đó, các doanh nghiệp hàng không, các tổ chức kinh tế - xã hội trong ngành hàng không Việt Nam đã có nhiều cố gắng nỗ lực to lớn để vượt qua những khó khăn, tác động tiêu cực của dịch bệnh.

Trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ ban hành những chính sách để giúp ngành hàng không phục  hồi. Tuy nhiên, dự báo sắp tới ngành hàng không vẫn đứng trước khó khăn to lớn, khi dịch bệnh trên thế giới vẫn chưa được kiểm soát kéo theo hoạt động vận tải hàng không quốc tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, các doanh nghiệp và các nhà quản lý cần cùng nhau để đưa ra những giải pháp thích hợp.

Ông Phạm Văn Hảo, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, ngay từ khi dịch COVID-19 bắt đầu, hoạt động vận chuyển hàng không ngay lập tức bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo đánh giá, việc phục hồi của ngành hàng không như trước khi có dịch còn rất dài. Trong giai đoạn này, Cục Hàng không Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không nghiên cứu báo cáo Bộ Giao thông Vận tải để trình Chính phủ ban hành các phương án để có thể mở lại hoạt động vận chuyển khách quốc tế đến Việt Nam với yêu cầu tuyệt đối đảm bảo kiểm soát dịch bệnh.

Dưới góc độ các doanh nghiệp hàng không, ông Nguyễn Tiến Hoàng, Phó Trưởng Ban Kế hoạch phát triển, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) nhìn nhận, sự bùng phát của COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các hãng hàng không; trong đó, có Vietnam Airlines.

Theo đó, thách thức đầu tiên và rõ ràng nhất là doanh thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của mọi doanh nghiệp hàng không đều bị suy giảm nghiêm trọng. Theo dự báo của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), hàng không Việt Nam thiệt hại khoảng 4 tỷ USD trong năm nay. Thị trường nội địa mặc dù đã có những dấu hiệu phục hồi nhanh về sản lượng khách. Tuy nhiên, sức mua của thị trường còn yếu, trong khi thị trường dư thừa cung ứng, khiến cho giá vé giảm mạnh.

“Thị trường quốc tế về cơ bản vẫn trong tình trạng đóng băng, các chuyến bay khai thác vẫn chủ yếu là các chuyến bay hồi hương và thuê chuyến chở chuyên gia. Áp lực về thâm hụt dòng tiền rất lớn, khi mặc dù không bay hoặc bay ít, nhưng các hãng hàng không vẫn phải trả các chi phí cố định như thuê mua, bảo dưỡng tàu bay”, ông Nguyễn Tiến Hoàng nhìn nhận.

Ông Nguyễn Tiến Hoàng thông tin, tác động của COVID-19 đến Vietnam Airlines là vô cùng lớn,  9 tháng năm 2020 doanh thu của Vietnam Airlines giảm hơn một nửa so với cùng kỳ 2019, thâm hụt dòng tiền hơn 7.358 tỷ đồng. Ước thực hiện cả năm 2020, doanh thu Vietnam Airlines giảm hơn một nửa so với năm 2019, số lỗ hợp nhất vào khoảng từ 14.000 - 15.000 tỷ đồng, dòng tiền thâm hụt khoảng 15.000 tỷ đồng.

Trên cơ sở những phân tích, đánh giá về khó khăn của doanh nghiệp hàng không, hướng tới mục tiêu phát triển hàng không bền vững và với vai trò là Hãng hàng không quốc gia, ông Nguyễn Tiến Hoàng cho biết, Vietnam Airlines đề xuất các giải pháp với Chính phủ và các bộ, ngành như duy trì và tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hàng không vượt qua giai đoạn khủng hoảng của đại dịch COVID-19.

Cụ thể là, giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá; giảm thuế bảo vệ môi trường; miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu, thuế nhà thầu nước ngoài, thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu đối với phụ tùng vật tư thiết bị quay vòng, thuế giá trị gia tăng cho ngành hàng không để kích cầu thị trường....

Còn theo bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet Air, trước đại dịch COVID-19, hàng năm tăng trưởng của Vietjet Air đã đạt bình quân trên 30% đến năm 2019. Tích lũy Vietjet Air đã phục vụ 100 triệu hành khách, đóng góp thuế, phí, lệ phí tích lũy xấp xỉ 9.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, dịch COVID đã làm dòng tiền của hãng giảm sụt. Do đó, để tăng cường nguồn lực tài chính cho hàng không, Vietjet đã chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính tích luỹ trong nhiều năm.

“Bên cạnh đó, Vietjet Air đã triển khai hàng loạt các giải pháp quyết liệt như: mở rộng dịch vụ kinh doanh vận chuyển hàng hóa, phát triển các dịch vụ phụ trợ, thẻ bay Power Pass, tự phục vụ mặt đất tại cảng hàng không Nội Bài, đồng thời Vietjet đã tích cực triển khai các chương trình tiết kiệm chi phí, giảm chi phí trên mỗi đơn vị giờ khai thác từ 35 - 45% nhờ tối ưu hóa hoạt động khai thác. Với tình hình khó khăn hiện nay, ước tính Vietjet Air thiếu hụt 7.000 - 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh”, bà Hồ Ngọc Yến Phương thông tin.

Trước khó khăn trên, bà Hồ Ngọc Yến Phương cho hay, doanh nghiệp hàng không rất cần nguồn lực tài chính để tiếp tục hoạt động, chính vì vậy hãng đề xuất được vay với lãi suất ưu đãi đối với ngành hàng không. Bên cạnh đó, bà Hồ Ngọc Yến Phương cũng đề xuất các cơ quan chức năng giảm và kéo dài thời gian ưu đãi thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm phí, lệ phí và các chi phí dịch vụ cảng hàng không. Ngoài ra, để hỗ trợ cải thiện dòng tiền cho doanh nghiệp và người lao động, Vietjet Air đề xuất giãn thời hạn nộp các loại Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng… đến hết ngày 31/12/2021.

PGS. TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế Thủ tướng Chính phủ cho rằng, ngành hàng không cần họp bàn các giải pháp mang tính dài hơi, bền vững. Còn theo ông Nguyễn Khắc Hải, Phó Tổng giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways, để các doanh nghiệp hàng không vượt qua khó khăn, Bamboo Airways đề xuất miễn giảm thuế, phí 50% cất hạ cánh, điều hành bay với thời hạn kéo dài hết năm 2021.

Quang Toàn (TTXVN)
Giải pháp nào 'cứu' các hãng hàng không Việt Nam?
Giải pháp nào 'cứu' các hãng hàng không Việt Nam?

Mặc dù đến thời điểm này các hãng hàng không trong nước đã khôi phục hoàn toàn các đường bay nội địa, thậm chí mở thêm đường bay mới, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, do chưa được khai thác các đường bay quốc tế đã dẫn đến tình trạng năng lực dư thừa, nhiều hãng bay thu không bù chi nên vẫn gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN