Hàng không, du lịch chủ động ‘bứt phá’ khi mở cửa bầu trời bay quốc tế

Việt Nam chính thức mở cửa du lịch từ ngày 15/3, nhưng theo các chuyên gia và người làm du lịch, không phải cứ mở cửa, khách quốc tế sẽ đến. Vì vậy, để hoạt động đón khách du lịch quốc tế hồi phục như thời điểm chưa có dịch COVID-19, ngành Hàng không và Du lịch cần sẵn sàng các điều kiện cần và đủ, tiến dần bình thường hoá hoàn toàn các hoạt động bay nội địa và quốc tế.

Sẵn sàng đón khách

Chính phủ đã quyết định mở lại các đường bay quốc tế từ ngày 15/3, điều này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện để ngành Hàng không Việt Nam tiến dần tới bình thường hoá hoàn toàn các hoạt động trước đây để không bị chậm chân trong cuộc cạnh tranh với các hãng hàng không trong khu vực và thế giới có đường bay đi - đến Việt Nam.

Đại diện các hãng hàng không nội địa cho biết, thực hiện kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc mở lại các đường bay thường lệ quốc tế từ tháng 1/2022, các hãng đã triển khai khai thác các đường bay thương mại thường lệ chở khách vào Việt Nam từ các thị trường như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan, Campuchia, Lào, châu Âu và Australia. Các đường bay này đã được mở bán rộng rãi và phục vụ tất cả hành khách đáp ứng các yêu cầu về quy định nhập cảnh, y tế của Chính phủ.

Chú thích ảnh
Hàng không và du lịch chủ động "bứt phá" khi mở cửa bầu trời bay quốc tế. Ảnh: TTXVN.

Để chuẩn bị cho việc mở cửa du lịch quốc tế từ sau ngày 15/3, các hãng hàng không đã có kế hoạch mở rộng và tăng tần suất khai thác đến toàn bộ mạng bay thường lệ quốc tế. Trước mắt, từ cuối tháng 3/2022, Vietnam Airlines tăng tổng số chuyến bay lên 97 chuyến/tuần, khai thác tới hầu hết các sân bay thành phố lớn của các nước, mở rộng khai thác thêm các đường bay du lịch đến Singapore: Đà Nẵng - Singapore 3 chuyến/tuần, Phú Quốc - Singapore và Nha Trang - Singapore 1 chuyến/tuần từ 15/4/2022. Đến tháng 7/2022, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục khôi phục khai thác đến thị trường Trung Quốc (6 chuyến/tuần), Indonesia (3 chuyến/tuần) và các đường bay du lịch đến Đà Nẵng, Nha Trang từ các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, nâng tổng số chuyến bay quốc tế lên đến hơn 160 chuyến/tuần.

Bamboo Airways cũng đã liên tiếp mở bán vé và khai trương nhiều đường bay thẳng thương mại thường lệ đến các nước châu Âu sau khi Việt Nam cho phép mở cửa toàn phần mạng bay quốc tế từ 15/3. Cụ thể, Bamboo Airways đã tiến hành mở bán vé hàng loạt đường bay thẳng thương mại thường lệ kết nối tới châu Âu, bao gồm đường bay thẳng Hà Nội - Frankfurt, Đức (khai thác từ ngày 25/2), Hà Nội – London, Anh (khai thác từ ngày 22/3), với tần suất ban đầu dự kiến 2 chuyến khứ hồi/tuần, sau đó nâng dần lên theo nhu cầu thị trường và sự cho phép của các nhà chức trách.

Vietjet cũng sẵn sàng nguồn lực để khai thác trở lại tất cả các đường bay quốc tế thường lệ, đảm bảo an toàn phòng chống dịch và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe mới mẻ cho hành khách; đồng thời, tăng tần suất các đường bay quốc tế thường lệ kết nối Việt Nam với các điểm đến mà hãng đã khai thác để đáp ứng nhu cầu đi lại giữa Việt Nam và các quốc gia như Hàn Quốc, Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), Nhật Bản, Singapore, Thái Lan… 

Chủ động mở cửa

Ở góc độ quản lý, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) đã đưa ra các kịch bản dự báo tăng trưởng. Trong kịch bản trung bình, năm 2022, thị trường hàng không Việt Nam dự kiến đón 42-43 triệu hành khách, con số này mới chỉ được hơn 50% so với 2019, nhưng sẽ đón khoảng 8 triệu khách quốc tế, trong đó có 6 triệu khách du lịch.

Trong khi đó, các hãng hàng không đã chủ động các kế hoạch khôi phục nhanh các đường bay quốc tế như trước dịch theo hướng: Tăng cường các chuyến bay phục vụ nhu cầu đi lại để công tác, khám phá du lịch, đoàn tụ với người thân sau thời gian dài bị gián đoạn; cập nhật, tuân thủ chặt chẽ các quy định của cơ quan chức năng, bảo đảm nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để khai thác bay quốc tế; duy trì phun khử khuẩn máy bay, khuyến khích hành khách làm thủ tục trực tuyến, đeo khẩu trang trong suốt hành trình bay...

Cùng với ngành Hàng không, để chuẩn bị việc mở cửa “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, ngành du lịch đã công bố những kế hoạch mở cửa, với các chính sách thông thoáng, trên cơ sở bám sát các chủ trương đảm bảo an toàn của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch như: Chiến dịch tiêm chủng mùa xuân thần tốc, tiêm phủ vaccine cho các đối tượng 5-12 tuổi; kịp thời tháo gỡ những kiến nghị, đề xuất của các địa phương để mở lại du lịch; đồng thời, tham mưu cho Chính phủ có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời và có hiệu quả với các doanh nghiệp, người lao động trong ngành đã ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong 2 năm qua.

Ngoài ra, Tổng Cục Du lịch phối hợp với các địa phương rà soát, hoàn thiện các cơ sở vật chất, nâng cao đội ngũ lao động dịch vụ; tạo những sản phẩm dịch vụ du lịch mới (xúc tiến truyền thông, quảng bá hình ảnh, đất nước, văn hóa, con người... nhằm lan tỏa việc mở cửa du lịch); tăng cường liên kết vùng để tạo các sự kiện, tạo các hoạt động thu hút khách du lịch (khai mạc Năm du lịch Quốc gia tại các địa phương) và chú trọng quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội, hội chợ quốc tế du lịch trong nước... 

Sơn Vân/Báo Tin tức
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Quyết định mở cửa lại cho du khách quốc tế là một lộ trình thận trọng
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Quyết định mở cửa lại cho du khách quốc tế là một lộ trình thận trọng

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, quyết định chính thức mở cửa lại cho khách du lịch quốc tế là một lộ trình rất thận trọng, lúc đầu các bộ đề nghị mở cửa vào dịp 30/4 - 1/5, sau đó rút xuống 30/3 và nay chính thức là 15/3.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN