Hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi

Hàng giả, hàng nhái đang ngày càng trở thành nỗi nhức nhối của xã hội, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng, trong khi đó cơ quan chức năng lại gặp không ít khó khăn về công tác phòng chống gian lận thương mại.


Lực lượng quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh phát hiện hàng trăm chiếc mũ bảo hiểm kém chất lượng tại chợ Kim Biên.

 

Hàng nhái công nghệ cao


Ở TP Hồ Chí Minh, địa bàn kinh doanh hàng giả, hàng nhái tập trung nhiều nhất là tại các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại mua sắm lớn như: chợ Bến Thành, An Đông, Tân Bình, Sài Gòn Square... với các sản phẩm đa dạng về mẫu mã, giá cả rất rẻ. Đa số các sản phẩm này thường giả các nhãn hiệu nổi tiếng như Louis Vuitton, Gucci, Chanel... Túi xách nhãn hiệu của Louis Vuitton, Chanel, nếu là hàng thật được bán ở các cửa hàng chính hãng sẽ có giá vài triệu/sản phẩm nhưng tại các chợ này chỉ khoảng 200 - 500 ngàn đồng/cái. Tương tự, các nước hoa ngoại hiệu Escada (do Anh sản xuất); CK - Cal Vinklein – Euphoria (Mỹ); Chanel (Mỹ)... được bán với giá khá bèo chỉ từ 30.000 - 40.000 đồng/chai trong khi đó, nếu sản phẩm thật sẽ có giá gấp hàng chục lần.


Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, tổng số lượng hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hành nhái mà Chi cục đã tạm giữ trong 6 tháng đầu năm là 770.928 đơn vị sản phẩm, 295,16 tấn, 29.563 mét, 1.640 lít các mặt hàng thực phẩm, bia, rượu, sữa nước, thuốc lá điếu nhập lậu, quần áo, đồ chơi trẻ em, điện thoại di động, mỹ phẩm, phụ tùng linh kiện, đồng hồ, kính mắt, giày dép, túi xách, vải sợi, đĩa CD phim, nhạc nhân bản lậu... Thời gian qua, tình hình trên đã giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước tuy nhiên mức độ vi phạm ngày càng phức tạp với phương thức thủ đoạn tinh vi vẫn không giảm.


Ông Đỗ Thanh Lâm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu do lực lượng cán bộ quản lý thị trường tại các địa phương hiện còn quá mỏng, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong khi đó, phương thức thủ đoạn của các đối tượng, doanh nghiệp (DN) làm ăn phi pháp ngày càng tinh vi. Việc gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng nhái sử dụng những thiết bị công nghệ cao, có dấu hiệu móc nối với nước ngoài ngày càng tăng mạnh, nhiều sản phẩm được làm giả y hệt như thật, nếu các cán bộ chức năng không được đào tạo bài bản về khả năng nghiệp vụ thì khó lòng phát hiện.


Nâng cao vai trò của doanh nghiệp


Để hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái đang tràn ngập thị trường, đại diện một số cơ quan chức năng cho rằng, ngoài việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, các cơ quan chức năng cũng cần sự phối hợp giữa cơ quan chuyên môn khác, đồng thời phải nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong cuộc chiến chống nạn hàng giả, hàng nhái.


Ông Bùi Văn Quyền, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái không chỉ là việc làm để bảo vệ bản thân mà còn là bảo vệ xã hội, bảo vệ nền kinh tế trước sự lũng đoạn của các mặt hàng kém chất lượng. Do đó, nếu muốn tiêu diệt tận gốc nạn hàng giả, hàng nhái thì cần có sự chung tay, góp sức của nhiều người, từ các cơ quan nhà nước, DN đến chính những người tiêu dùng. Trong đó, phải chú trọng nâng cao vai trò của DN, bởi DN chính là chủ thể - đối tượng bị làm giả, là người phát hiện ra sản phẩm của mình có bị làm giả hay không.


Theo kinh nghiệm từ các nước cho thấy vai trò tham gia của DN - chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ trong thực thi là rất quan trọng. Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam cũng đã quy định đây không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của các DN trong công tác phối hợp và hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật.


Ông Nguyễn Bá Cương Trực, quản lý bán hàng của Công ty Kiềm Nghĩa cho biết, thời gian qua sản phẩm Kiềm Nghĩa đã bị làm giả. Đặc biệt các sản phẩm giả này còn được bày bán trà trộn vào các cửa hàng bán sản phẩm của Kiềm Nghĩa. Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng công ty đã có những hướng dẫn cụ thể với khách hàng để tránh mua phải hàng giả. Ngoài ra, khi phát hiện cửa hàng nào bán sản phẩm có hàng giả, công ty yêu cầu họ gỡ băng rôn quảng cáo của Kiềm Nghĩa xuống để tránh sự hiểu lầm cho khách hàng.


Còn theo ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển khoa học công nghệ Vina, một trong những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn hàng giả hiện nay là việc DN sử dụng tem chống giả cho sản phẩm của mình. Bởi tem chống giả đảm bảo độ bảo an, bảo mật giúp người tiêu dùng nhận diện được sản phẩm thật - giả. Tem chống hàng giả cũng là cơ sở để cơ quan quản lý điều tra, giải quyết vụ việc khi có sự tranh chấp trong gian lận thương mại.


Hàng giả, hàng nhái vẫn tồn tại còn do người tiêu dùng “tiếp tay”, bởi có “cầu ắt có cung”. Vì vậy để hạn chế tình trạng trên, chính người tiêu dùng cũng cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng và phải nhận thức rõ trách nhiệm chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Đây không chỉ là việc bảo vệ quyền lợi của mình mà còn giúp các cơ quan chức năng chống lại hành vi phá hoại sản xuất, kìm hãm sự phát triển nền kinh tế đất nước.


Bài và ảnh: Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN