87 siêu thị lớn của Lotte tại Trung Quốc đã bị yêu cầu ngừng hoạt động. |
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn báo cáo của KDB, kinh doanh hàng miễn thuế và du lịch – hai ngành chính có liên quan chặt chẽ nhất đến lượng du khách Trung Quốc - sẽ bị thiệt hại khoảng 11,7 tỷ USD và các ngành khác sẽ thiệt hại tổng cộng 8,3 tỷ USD nếu Trung Quốc duy trì các biện pháp hạn chế thương mại với Hàn Quốc trong bối cảnh cuộc tranh cãi ngoại giao liên quan đến việc Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tiếp tục leo thang. Mỹ phẩm cũng là một trong những ngành sẽ bị tổn hại nhiều, dự tính lên tới 1,43 tỷ USD.
Tuy nhiên, báo cáo của KDB nhận định rằng các sản phẩm xuất khẩu chính khác như ô tô, chip điện tử và điện thoại thông minh sẽ không bị ảnh hưởng trước các biện pháp của Trung Quốc do các loại hàng này vẫn duy trì được mức cầu ổn định trên thị trường thế giới.
Bản báo cáo cho rằng các biện pháp hạn chế của Trung Quốc có thể sẽ kéo dài khi xét tới việc trước đây Trung Quốc đã có những biện pháp cứng rắn đối với Nhật Bản trong các vụ tranh cãi tương tự. KDB cũng nhận định rằng ngành sản xuất ô tô và chip điện tử có thể ít bị ảnh hưởng nhất nhưng cũng không hoàn toàn an toàn trước khả năng tinh thần bài Hàn có thể lan rộng trong người tiêu dùng Trung Quốc.
Hiện tình trạng
căng thẳng giữa Hàn Quốc và Trung Quốc đang leo thang sau khi Hàn Quốc đẩy nhanh tiến trình triển khai THAAD và Trung Quốc áp dụng nhiều biện pháp hạn chế thương mại được coi là để trả đũa động thái của Hàn Quốc. Trung Quốc luôn phản đối Hàn Quốc triển khai THAAD vì cho rằng cụm radar rất mạnh của hệ thống này có thể được sử dụng để do thám các hoạt động của Trung Quốc. Phía Trung Quốc đã áp dụng một loạt các biện pháp hạn chế đối với các công ty của Hàn Quốc cũng như các công ty của Trung Quốc có mối quan hệ làm ăn với Hàn Quốc, trong đó có việc ngừng hoạt động của các cửa hàng bán lẻ của Hàn Quốc tại Trung Quốc và cấm bán tour du lịch sang Hàn Quốc.