Sản xuất sản phẩm cơ khí tại Công ty TNHH Cơ khí RK (vốn Nhật Bản) tại Khu công nghiệp Đình Vũ - một trong những KCN thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhất trong KKT Đình Vũ-Cát Hải, Hải Phòng. Ảnh: Danh Lam/TTXVN |
Tuy nhiên, năm 2017, thu hút FDI tại thành phố này chỉ đạt trên 1 tỷ USD so với chỉ tiêu đề ra là 2,4 tỷ USD. Đây cũng là chỉ tiêu duy nhất trong 20 chỉ tiêu kinh tế của Hải Phòng không đạt được trong năm 2017.
Đâu là nguyên nhân? Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng cuối năm 2017, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã nêu rõ nguyên nhân thu hút FDI năm 2017 chỉ đạt gần một nửa chỉ tiêu đề ra. Đó là do năm 2016, thành phố thu hút dự án của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) với số vốn 1,5 tỷ USD, góp phần đưa Hải Phòng đứng đầu cả nước về thu hút FDI. Thêm nữa, thành phố thiếu quỹ đất, quy mô các khu công nghiệp hiện nay không đủ sức đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư khiến họ quan ngại khi lựa chọn địa điểm.
Còn theo Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, các khu công nghiệp nằm ngoài khu kinh tế có ưu đãi thấp hơn nên gặp khó khăn trong thu hút đầu tư. Một số chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp năng lực và kinh nghiệm còn hạn chế, chưa quyết liệt trong đầu tư. Đối với các khu công nghiệp, khu chức năng trong khu kinh tế thì quỹ đất thương phẩm còn rất ít như: Khu công nghiệp Đình Vũ còn khoảng 40 ha, Khu công nghiệp Tràng Duệ còn khoảng 30 ha.
Cùng với đó, việc đền bù giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng nhu cầu về đất của các nhà đầu tư thứ cấp. Cụ thể, Khu công nghiệp VSHIP mới có mặt bằng khoảng 320 ha; trong đó 250 ha “sạch”, còn khoảng 70 ha bị “xôi đỗ”. Phần đất còn lại 177/507 ha, việc giải phóng mặt bằng khó khăn do có gần 100 ha đất thổ cư với nhiều nhà biệt thự, cao tầng giá trị cao. Ngoài ra, 50 ha đất khu công viên phần mềm đang điều chỉnh quy hoạch chi tiết thành đất công nghiệp đang đợi thành phố Hải Phòng phê duyệt. Các dự án khác như: Deep C2, Nam Đình Vũ I (tại khu vực Nam Đình Vũ) đang triển khai san lấp, xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, trong khi Dự án đê biển Nam Đình Vũ chưa triển khai nên việc thu hút đầu tư gặp khó khăn.
Là chuyên gia về kinh tế và từng giữ chức Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, PGS.TS Đan Đức Hiệp đã chỉ ra những hạn chế trong thu hút FDI thời gian qua của Hải Phòng như: cơ cấu đầu tư còn bất hợp lý; đầu tư cho ngành dịch vụ - ngành mà Hải Phòng có nhiều lợi thế còn thấp; chưa thu hút được nhiều dự án FDI trong lĩnh vực sản xuất chế tạo có công nghệ tiên tiến và giá trị gia tăng cao; tỷ trọng đầu tư FDI vào lĩnh vực nông, lâm thủy sản còn hạn chế; tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, khu kinh tế chưa cao.
Hiệu ứng lan tỏa sang các khu vực khác kém bởi các doanh nghiệp FDI lớn thường lắp ráp các linh kiện, chi tiết nhập khẩu nên tạo giá trị gia tăng ít và cũng là nguyên nhân không nhỏ gây nhập siêu và ít lan tỏa đến các doanh nghiệp địa phương. Sản phẩm của doanh nghiệp FDI cũng chủ yếu để xuất khẩu, 57% doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất xuất khẩu hơn một nửa sản lượng của mình trực tiếp hoặc gián tiếp. Điều này thể hiện sự thiếu liên kết giữa khu vực có vốn FDI với khu vực kinh tế trong nước, hạn chế hiệu ứng lan tỏa về tiếp thu công nghệ, kinh nghệm quản lý và cải thiện năng suất.
Công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài còn nhiều bất cập. Tình trạng cấp giấy chứng nhận đầu tư chưa phù hợp với quy hoạch. Mục tiêu nâng cao chất lượng lao động thông qua FDI chưa đạt yêu cầu như mong muốn, mặc dù tỷ trọng lao động trong khu vực FDI có tăng hằng năm. Thu nhập bình quân của người lao động được đánh giá cao hơn khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, song lại thấp hơn khu vực doanh nghiệp nhà nước, tranh chấp lao động và đình công vẫn diễn ra, nhu cầu nhà ở, nhà trẻ, cơ sở y tế ở các khu công nghiệp còn thiếu, đời sống văn hóa chưa được quan tâm.
Tạo sức bật mới Khắc phục những tồn tại, bất cập trong thu hút FDI chưa đạt được như mong muốn, Hải Phòng đã đưa ra những giải pháp nhằm tạo sức bật mới trong năm 2018.
Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố vừa qua, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành nhấn mạnh: Cùng với việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, Hải Phòng còn thực hiện mạnh mẽ các biện pháp để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thành phố; trong đó sẽ hoàn thành thủ tục để triển khai xây dựng một số công trình kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm như: đường bộ ven biển, cầu đường Tân Vũ - Lạch Huyện 2...
Hải Phòng tiếp tục xác định nguồn vốn FDI giữ vai trò quan trọng để thúc đẩy tái cấu trúc kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng của thành phố theo hướng thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại; trong đó thành phố tập trung nhóm giải pháp về xúc tiến đầu tư; chú trọng công tác quản lý, giám sát dự án; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư; nghiên cứu thu hút các tập đoàn kinh tế lớn, đa quốc gia từ các thị trường tiềm năng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ý, Bỉ.
Nếu như trước đây, các dự án tập trung trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, sản xuất các sản phẩm có sử dụng nguồn nhiên liệu, khoáng sản, các dự án sản xuất các sản phẩm truyền thống như giày da, may mặc, nhựa... thì các dự án FDI trong thời gian tới hướng đến quy mô lớn, chất lượng cao, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, có công nghệ kỹ thuật cao (thiết bị điện tử và chi tiết, linh kiện trong công nghiệp điện, điện tử, cơ khí)...
Hải Phòng đã từng đón nhiều dự án sản xuất công nghiệp của các tập đoàn lớn, danh tiếng của Nhật Bản như: dự án đầu tư Nhà máy sản xuất lốp xe cao su của Bridgestone Corporation với số vốn đầu tư 574,8 triệu USD; dự án sản xuất thuốc tiêu chuẩn cao Nipro Pharma Corporation (Nhật Bản) với vốn đầu tư 250 triệu USD; dự án sản xuất máy in, máy photocopy và máy đa năng của Fuji Xerox (Nhật Bản) với vốn đầu tư 119 triệu USD; dự án sản xuất, lắp ráp các sản phẩm điện tử và điện tử công nghệ cao của Công ty Trách nhiệm hữu hạn LG Electronic Việt Nam - Hải Phòng (Hàn Quốc) với tổng mức đầu tư 1,5 tỷ USD.
Trong lĩnh vực dịch vụ logistics, thành phố có một số dự án của nhà đầu tư Singapore đến đầu tư tại Khu công nghiệp Đình Vũ với số vốn đầu tư đăng ký 25 triệu USD và Khu công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng với số vốn đầu tư đăng ký 7,91 triệu USD...
Hải Phòng cũng đã có một số nhà đầu tư Nhật Bản, Mỹ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, dịch vụ tìm hiểu cơ hội đầu tư xây dựng khu nhà ở thương mại cao cấp, khách sạn, trung tâm thương mại. Năm 2018, Hải Phòng đặt mục tiêu phấn đấu thu hút 1,2 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.